Cô nói xe cô ít đi lắm, mỗi ngày đi làm chừng 10 cây số, cuối tuần thì chở mẹ đi siêu thị, đi cà phê với bạn bè gần nhà, nói chung là "đi kỹ", nên cũng không để ý chuyện bảo dưỡng.
Chẳng phải nghi ngờ, tôi mở nắp nhớt ra kiểm tra thì nhớt đã quánh đặc như cháo lòng. Đã vậy, xe từ lúc mua đến giờ không châm nước mát, không thay nhớt hộp số. Hỏi ra mới biết xe đã hơn 8 tháng không thay nhớt lần nào. Lần thay trước chắc cũng thay phải nhớt "dỏm", chứ nhớt xịn thì khó mà quánh đặc như vậy được.
Tôi làm nghề sửa xe lâu năm, biết nhiều khách, nhất là phụ nữ, hay mang tâm lý sợ bị thợ "vẽ bệnh" rồi thay đồ không cần thiết. Điều đó đúng trong một số trường hợp, nhưng không phải ai cũng vậy. Nhiều khi thợ nói thật lại không tin, đến lúc xe dắt bộ giữa đường hoặc phải thay cả đống đồ mới thấy tiếc.
Xe ít đi không có nghĩa là xe sẽ không hỏng. Dầu nhớt sau một thời gian dùng là biến chất. Nước mát không có thì máy nóng, khô cháy. Dầu hộp số bánh sau của xe tay ga, nếu không thay định kỳ thì vòng bi hộp số bị mài mòn, xe chạy hú to. Những hỏng hóc kiểu đó không báo trước, đến lúc phát ra tiếng thì đã muộn.
Tôi từng gặp khách cứ nhất quyết không thay bình ắc quy dù khởi động rất yếu, bảo rằng "thấy còn dùng được". Mấy hôm sau quay lại dắt bộ, hỏi có bình nào thay ngay không. Có người dùng má phanh mòn tới sắt cạ vào đĩa, lẽ ra chỉ thay bố thắng vài chục nghìn, giờ phải thay cả đĩa vài trăm nghìn.
Nhất là chị em phụ nữ thường có tâm lý đi xe kỹ, nhưng lại không kỹ trong việc bảo dưỡng. Một phần vì không rành kỹ thuật, phần vì e ngại bị bắt chẹt, nên tránh né luôn việc kiểm tra định kỳ. Xe máy là phương tiện vận hành hàng ngày, không có nghĩa vì đi quãng đường "vòng vòng nhà" mà miễn bảo trì.
Cũng như thời gian trước nạn "đinh tặc" rộ lên, nhiều thợ sửa xe bị nghi oan đi rải đinh, nhưng ai làm ăn đàng hoàng thì tồn tại lâu dài. Người tiêu dùng cần hiểu rõ hơn về xe mình, biết những mốc bảo dưỡng cơ bản. Thợ sửa xe cũng phải làm ăn có tâm, giải thích kỹ, minh bạch giá cả, giải thích lý do để khách không phải phòng thủ như vậy.