Nghiên cứu của nhóm chuyên gia đăng tải đầu tháng 7 trên tạp chí BMJ Global Health, ước tính dựa trên 210 đợt bùng phát ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Dữ liệu được thu thập từ năm 2000 đến 2023, tại 49 quốc gia khác nhau, có sự hỗ trợ của Liên minh Vaccine toàn cầu Gavi.
Nhờ vaccine, tổng số ca nhiễm cũng giảm gần 60%. Về lợi ích kinh tế, ước tính các chương trình tiêm chủng tiết kiệm 32 tỷ USD. Lợi ích này đến từ việc ngăn ngừa ca tử vong và di chứng vĩnh viễn do bệnh tật. Theo nhóm nghiên cứu, đây có thể là mức ước tính khiêm tốn, do chưa tính đến chi phí ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng hơn hoặc khi gián đoạn kinh tế do đại dịch.

Trẻ em tiêm vaccine để phòng bệnh. Ảnh: Vecteezy
"Nghiên cứu chứng minh rõ ràng sức mạnh của vaccine, là biện pháp đối phó dịch bệnh hiệu quả về mặt chi phí trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng", tiến sĩ Sania Nishtar, Giám đốc điều hành của Gavi, cho biết.
Nghiên cứu mới được công bố trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách cho tiêm chủng. Ví dụ Mỹ giảm mạnh tài trợ cho Gavi tới 880 triệu USD, gây ảnh hưởng việc tiêm chủng cho 75 triệu trẻ em ở các nước thu nhập thấp; hoặc Anh giảm khoảng 400 triệu bảng tài trợ cho Gavi, chỉ cam kết tài trợ 1,25 tỷ bảng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD).
Hồi tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo việc cắt giảm ngân sách y tế toàn cầu đang dẫn đến sự gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó được loại bỏ hoàn toàn nhờ vaccine. Do đó, Unicef, WHO và đối tác kêu gọi cha mẹ và chính trị gia hỗ trợ chương trình tiêm chủng, đảm bảo đầu tư lâu dài vào vaccine, hệ thống y tế công cộng.
Chi Lê (Theo BBC, WHO)