-
12h10
Giải đáp được 11 câu hỏi của công nhân
Đối thoại kết thúc lúc 12h10, vượt quá 40 phút so với chương trình dự kiến. Sau gần ba tiếng, Thủ tướng cùng sáu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã cùng giải đáp 11 câu hỏi của công nhân liên quan đến 10 vấn đề người lao động cả nước quan tâm.
Mong đợi tăng lương tối thiểu vùng của công nhân được giải tỏa ngay khi Thủ tướng thông báo sáng nay đã ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7. Nhiều vấn đề về sửa Luật Bảo hiểm xã hội, giảm năm đóng để sớm hưởng lương hưu, xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội được giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu; Bộ Công an rà soát, xử lý vấn đề tín dụng đen bủa vây công nhân; Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu chính sách nhà ở cho công nhân...
-
12h00
Thủ tướng mong công nhân tiếp tục vượt khó cùng cả nước
Sau hai tiếng rưỡi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại hôm nay là tròn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đối thoại là hành động cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết.
Ông cảm ơn công đoàn, địa phương tổ chức đối thoại, tiếp nối công việc mà cả hệ thống đã và đang làm. Thủ tướng đánh giá cao mười vấn đề được nêu, các ý kiến "rất đúng, rất trúng, rất cần giải quyết ngay" của công nhân và trân trọng đóng góp này của anh chị em.
Công nhân hô quyết tâm làm tốt nhiệm vụ, đóng góp phát triển đất nước. Ảnh: Ngọc Thành
Thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động, rà soát chính sách, bổ sung sửa đổi cho hoàn thiện; chú ý tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân lao động. Với các bộ ngành, điều gì làm tốt thì tiếp tục phát huy, chưa đạt được cần thẳng thắn tiếp thu, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của công nhân về việc làm, thu nhập, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.
Ông mong công nhân tiếp tục phát huy truyền thống trong điều kiện còn khó khăn, cùng cả nước vượt qua thách thức, đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.
-
11h40
Thủ tướng: Nghề nào cũng cao quý
Công nhân Lê Văn Lượng ở Bắc Ninh cho biết mỗi khi về quê nhận được đánh giá của những người xung quanh "Tưởng làm gì chứ làm công nhân" nên đôi khi chúng cũng thấy chạnh lòng. Nhưng mỗi khi đến nhà máy, cùng lao động sản xuất với đồng nghiệp, tạo ra những tấn hàng hóa xuất khẩu cho công ty anh lại thấy rất tự hào vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa, đóng góp sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước, lại yêu công việc của mình hơn.
"Thủ tướng có ý kiến gì về những quan điểm hoặc cách nhìn nhận của một số người trong xã hội về nghề công nhân của chúng cháu ạ?", nam công nhân nêu câu hỏi.
Thủ tướng cho biết sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi sự đóng góp của tất cả lực lượng, của mọi công dân. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích. "Làm việc gì mà hết mình, hết trách nhiệm, vì đam mê, khát vọng cống hiến, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp được cho đất nước, gia đình, bản thân thì đều cao quý, miễn là làm hết sức", lãnh đạo Chính phủ nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nghề nào cũng cao quý. Trong xã hội không thể tránh khỏi các ý kiến, nhưng "quan trọng nhất là bản lĩnh, nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm đối với đất nước, gia đình, và bản thân".
-
11h30
Công nhân muốn nâng cao tay nghề, nhưng gặp khó khăn
Anh Bùi Văn Trường, sinh năm 1983, Công ty TNHH Luxshare-ICT, tỉnh Bắc Giang, cho biết công nhân đều mong muốn tay nghề vững để có thu nhập cao và đời sống ổn định. Nhưng việc học nghề đang gặp nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học. Anh đề nghị Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công nhân Trường hỏi về chính sách dạy nghề cho lao động. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích vấn đề công ăn việc làm, đào tạo nghề cho công nhân đang tạo sức ép rất lớn. Theo dự báo đến năm 2026, khoảng 40% lao động không có kỹ năng phù hợp sẽ bị thay thế và 30% sẽ phải chuyển nghề. Chúng ta cần chuẩn bị ngay cho tình huống này. Hiện 70% lao động được đào tạo nhưng chỉ khoảng 24% công nhân có chứng chỉ nghề, đào tạo từ ba tháng trở lên.
Trưởng ngành lao động đề ra ba nhóm chính sách, cụ thể: Đào tạo, phân luồng học sinh từ cấp 2-3, nếu không có nhu cầu lên đại học thì "rẽ ngang" học nghề, học văn hóa. Kinh nghiệm một số nước như Nhật Bản, Singapore đều thành công. Hai là đào tạo mới lao động, sắp tới sửa Luật Việc làm sẽ quy định cụ thể doanh nghiệp nào phải sử dụng lao động có chuyên môn. Ba là đào tạo lao động chất lượng cao, dành 2.000 tỷ đồng đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực có tính chất dẫn dắt.
Cho rằng đào tạo nâng cao tay nghề là đòi hỏi chính đáng của công nhân, Thủ tướng nói phải phát triển sản xuất kinh doanh thì mới có công ăn việc làm cho lao động khu vực nông thôn, thành thị. Có công việc là đáng quý, song muốn nâng cao năng suất, chất lượng, đòi hỏi phải có đào tạo nâng cao tay nghề. Ngoài nỗ lực cố gắng của công nhân phải có quản lý của nhà nước và ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất cho các chính sách này. Khi có tay nghề cao, thu nhập của công nhân theo đó cũng cao lên, đời sống được cải thiện.
-
11h25
Khởi tố gần 2.000 vụ án liên quan tín dụng đen
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, cho biết tội phạm vi phạm tín dụng đen hoạt động tinh vi, núp bóng, cho vay không thế chấp, có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp qua app... Qua đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện có nơi lãi suất 90-100%, thậm chí 700-1.000%. Chúng đe dọa, khủng bố tinh thần khi người vay quá hạn trả nợ.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an. Ảnh: Ngọc Thành
Trong 3 năm qua, Bộ Công an xử lý hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, trong đó nhiều bị hại là công nhân. Đề phòng ngừa ngăn chặn hiện quả, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12 tổ chức phòng ngừa xã hội, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn... nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.
Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các tỉnh thành kiểm tra hành chính, phát hiện tội phạm vi phạm để xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, đồng thời rà soát ngành nghề kinh doanh, đối tượng lợi dụng núp bóng để triệt phá, mở đợt cao điểm tấn công tội phạm liên quan tín dụng đen.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn ngân hàng đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả, góp phần phòng chống tiêu cực trong tín dụng đen. Bộ Công an phải nắm chắc, xử lý nhanh đối tượng vi phạm, ngăn chặn hậu quả xấu tác động đến nền kinh tế và người lao động.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hệ thống bán lẻ của ngân hàng chưa có phòng giao dịch tại các khu công nghiệp nên công nhân chưa tiếp cận được vốn chính thức. Các ngân hàng khoán cho nhân viên tín dụng, phát triển ở doanh nghiệp, nên mảng bán lẻ khu công nghiệp chưa có, hơn nữa chi phí cho phòng giao dịch lại tốn kém...
-
11h10
Hai công ty tài chính sẽ cho công nhân vay với lãi suất phù hợp
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận có những câu chuyện đau lòng từ tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm để người dân không tiếp cận tín dụng đen, vay được nguồn vốn chính thức.
Ngân hàng đã cùng với Bộ Công an nghiên cứu thực tế, thấy rằng vẫn có nhu cầu tín dụng đen, khi đó ắt có cung. Vì vậy, Ngân hàng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Còn nhu cầu tín dụng nhưng phục vụ nhu cầu bất chính như lô đề, cờ bạc thì cơ quan chức năng sẽ dẹp bỏ cả cầu và cung.
Thời gian qua, Ngân hàng tăng cường hệ thống cung ứng dịch vụ cho vay tiêu dùng đến mọi đối tượng, đến vùng sâu, không chỉ nông dân mà cả công nhân. Cách đây hai tuần Thủ tướng vừa chỉ đạo tăng cường tín dụng chính thức khi đối thoại với nông dân ở Sơn La.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Ngọc Thành
"Ngoài những giải pháp đã và đang thực hiện, chúng tôi cải tiến chính sách để các ngân hàng mạnh dạn cho vay, để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn không lớn, để giải quyết nhu cầu ốm đau, con cái đi học, ma chay cưới xin... trong thời gian ngắn. Chúng tôi đang được hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển thị trường cho vay nhỏ lẻ", ông Tú nói, cho biết tăng cường tài chính vi mô để người yếu thế tiếp cận được hệ thống tài chính ngân hàng.
Các Ngân hàng quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tích cực. Có hai công ty tài chính là Fecredit của ngân hàng VP bank và HD Saigon của HD Bank, mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng, với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty đang cho vay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân ở khu công nghiệp, nhà máy, đảm bảo đúng đối tượng. Ông mong có sự phối hợp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để cho vay thuận tiện, đúng đối tượng, quản lý sử dụng, để có thể trả nợ được.
-
11h05
Nhiều công nhân khó khăn, phải vay tín dụng đen
Công nhân Trần Thị Toan, 35 tuổi, cán bộ công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, tỉnh Bình Phước, cho biết là cán bộ công đoàn, đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen. Thực tế rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Trước thực trạng tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố, nữ công nhân đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP một mô hình của công đoàn hỗ trợ tín dụng hiệu quả, thuận tiện cho công nhân nhưng nguồn lực hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân.
-
10h50
Đề nghị lập bệnh viện trong khu công nghiệp
Chị Vũ Thị Kim Anh, Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nam I, tỉnh Vĩnh Phúc, trăn trở khi anh chị em phải tăng ca thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc.
Chị đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh để thuận tiện cho công nhân đến khám chữa bệnh, cấp cứu kịp thời khi gặp sự cố, tai nạn tại các nhà máy; đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào chủ nhật và được thanh toán BHYT vì thời gian khác công nhân phải đi làm.
Thủ tướng nói trong đại dịch, cả nước đã cùng nhau nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường. Trong thành tựu chung còn bộc lộ những điểm yếu về hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở còn thiếu và yếu về nguồn nhân vật lực. Ông ghi nhận ý kiến công nhân.
Các bộ ngành đang sửa Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Chính phủ đã rà soát cơ sở y tế dự phòng, bổ sung cơ chế chính sách. Trước mắt, trong chương trình phục hồi kinh tế dành nguồn lực 14.000 tỷ đồng đầu tư cho y tế dự phòng. Trong các khu công nghiệp cần hình thành khu khám chữa bệnh cho phù hợp là nguyện vọng chính đáng. Ông đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát chính sách để sớm có chủ trương; đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho công nhân từ sớm, từ xa. Chủ trương là không nóng vội.
Chia sẻ của Thủ tướng nhận được vỗ tay nồng nhiệt của hàng nghìn công nhân.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, nói thêm việc khám chữa bệnh cho công nhân khu công nghiệp hiện vướng hai điều. Một là cơ sở khám chữa bệnh trong khu công nghiệp chưa được quy định trong luật. Hai là công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ và vào ngày cuối tuần liệu có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không? Tổng liên đoàn sẽ có văn bản kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về vấn đề này.
-
10h40
Sẽ hướng dẫn chi tiết áp dụng Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
Trả lời công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định chủ sử dụng lao động và người lao động Việt Nam cơ bản chia sẻ, gắn bó với nhau, nên đất nước mới phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về lao động. Các địa phương rất cố gắng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện, nhưng tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, chậm đóng bảo hiểm... vẫn xảy ra, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Gần đây một địa phương Bắc Trung Bộ có 1/4 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Khi kiểm tra họ nói chậm đóng chứ không phải trốn. Bộ phối hợp với Hội đồng Thẩm phán bàn với nhau ra Nghị quyết 05 hướng dẫn áp dụng Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, tới đây sẽ có hướng dẫn chi tiết. "Chúng tôi tiếp thu phản ánh của công nhân và cố gắng làm tốt nhất ở công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm", ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Ngọc Thành
Thủ tướng giao Bộ trưởng Lao động cùng Bộ Công an, bộ ngành liên quan đánh giá lại tình hình trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó rà soát quy định pháp luật, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, bộ ngành thì xử lý ngay để đảm bảo lợi ích của người lao động. Chủ tịch UBND các tỉnh thành, Bảo hiểm xã hội tổ chức thực thi pháp luật nghiêm, ai chưa chấp hành thì phải xử lý, ai làm tốt thì tổng kết mô hình để nhân rộng.
-
10h35
Đề nghị xử lý nghiêm việc nợ lương của các doanh nghiệp
Công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, 41 tuổi, Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc, nêu thực trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, công ty nơi bạn anh làm việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương, thưởng Tết.
"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động để chúng cháu yên tâm làm việc", anh Hùng nói.
Công nhân Hùng đặt câu hỏi về nợ lương, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành