Tác giả nêu ý kiến tại tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ thuộc khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình, sáng 12/2. Ông chỉ ra bây giờ xuất hiện nhiều tác phẩm vô thưởng vô phạt, khó tìm kiếm một hiện tượng thơ mới. ''Những bài có giá trị về mặt tư tưởng chẳng khác gì sao buổi sớm, lá mùa thu'', nhà thơ nói.
Tác giả nhắc đến hai câu của nhà thơ Cao Bá Quát: ''Người đẹp không ở áo/ Thơ hay thường ít lời'', chỉ ra hiện vẫn có người viết theo kiểu nhiều lời, ít ý, khiến các sáng tác xa rời công chúng. Một số cây bút có đề cập hiện thực nhưng không triệt để. Ngoài ra, ông nhắc lại việc thơ ngày nay được đăng dễ dãi. Có một giai đoạn cả nước chỉ có Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ. Những tờ báo không chuyên về văn nghệ, mỗi tuần, thường vào chủ nhật mới xuất bản một bài. Số người được in chùm thơ không nhiều, ai giới thiệu năm, bảy bài một lúc đã được coi là nổi tiếng. Tuy nhiên hiện nay người nào cũng có thể đăng thơ chùm trên báo, tạp chí, dễ dàng xuất bản trên mạng xã hội.
Đồng quan điểm với ông Đặng Huy Giang, cây viết trẻ Nguyên Như (tên thật Lê Ngọc Dũng) nhận thấy một năm có hàng nghìn sách thơ được các nhà xuất bản cấp phép, song đa số thiếu ấn phẩm tác động đáng kể đến đời sống, con người. Qua khảo sát bạn đọc ngẫu nhiên, anh cho biết có trường hợp nhận định thơ ca trừu tượng, xa rời cuộc sống của họ.
Nhà thơ Hà Phạm Phú chỉ ra trước kia số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không đông, mỗi lần chỉ kết nạp bảy, tám người. Những năm gần đây con số tăng gấp hàng chục lần, đa phần là nhà thơ. Nhiều câu lạc bộ của lĩnh vực này ''nở rộ như măng rừng sau sấm tháng 3''. Tuy nhiên nhắc đến thi ca hiện đại, ông cho rằng câu hỏi đầu tiên mà mọi người có thể nghĩ tới là: ''Bây giờ còn thơ không?".
Trước thực trạng trên, các diễn giả ở tọa đàm bàn luận về trách nhiệm bám sát đời sống, sáng tạo ngôn ngữ của các cây bút hiện nay.
Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, thơ hay cần có tư tưởng, giản dị nhưng sâu sắc, làm khác biệt những điều bình thường hoặc phát hiện các ý mới mẻ. Mỗi cây bút cần có tinh thần lao động nghiêm túc để đưa thi ca về giá trị vốn có. Ông nhắc đến các câu thơ của Chế Lan Viên: ''Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng''.
Tác giả Hà Phạm Phú cho rằng khi công nghệ phát triển, thông tin đa phương tiện thâm nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực, trách nhiệm của nhà thơ cũng cần chú trọng. Bài thơ mà tác giả công bố phải hay, cho thấy trải nghiệm thực tế, khơi dậy ý chí sống của con người.
Tác giả Nguyên Như nhận định thi ca không thể tách rời xã hội và thân phận con người. Để thơ Việt được nâng tầm và vươn xa, anh đề xuất mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm chọn lọc tác phẩm tốt đưa đến nhiều độc giả nước ngoài.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, sau mỗi hội thảo, các cây bút vẫn cần lên đường, ''làm một cuộc ra đi thật sự cho những sáng tạo mới''. Ông nhận định tiêu chí, chuẩn mực trong thơ là chuyện muôn đời còn bàn cãi, song điều dễ nhận ra là một tác phẩm hay sẽ trường tồn qua thời gian.
Ngày thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào 15 tháng giêng âm lịch tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm 2023, sự kiện trở lại sau hai năm phải hoãn vì dịch.
Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tổ chức Ngày thơ ngoài phạm vi Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Thiều nói về lý do chọn Ninh Bình: "Chúng tôi muốn đổi mới. Tỉnh có phong cảnh thiên nhiên đẹp, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, lại mới lập thành phố Hoa Lư''. Ngoài tọa đàm, đêm thơ với chủ đề Tổ quốc bay lên diễn ra tối 12/2. Cựu binh, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl sẽ đọc bài về một người mẹ Việt Nam tại sự kiện.
Phương Linh