Ngày 14/6, nhà xuất bản Alfred A. Knopf thông báo tác giả mất tại nhà ở Santa Fe, New Mexico vì nguyên nhân tự nhiên.
Nhà văn Stephen King viết trên Twitter: "Cormac McCarthy có lẽ là tiểu thuyết gia Mỹ vĩ đại nhất trong thời đại của tôi. Ông ấy sống những năm tháng sống trọn vẹn và tạo loạt tác phẩm tuyệt vời. Tôi vô cùng thương tiếc".

Tác giả Cormac McCarthy dự ra mắt phim "The Road" vào 16/11/2009 tại New York. Ảnh: Jim Spellman
McCarthy sinh năm 1933, tại Providence, Rhode Island. Ông bỏ học Đại học Tennessee hai lần, gia nhập lực lượng không quân Mỹ trong bốn năm. Năm 1959, ông bắt đầu viết tiểu thuyết.
Tác phẩm đầu tay là The Orchard Keeper (1965). 20 năm sau, với Blood Meridian, McCarthy được giới phê bình nhiệt tình đón nhận. Dựa trên sự kiện có thật ở biên giới Texas - Mexico vào những năm 1950, truyện kể cậu bé Tennessean 14 tuổi bị cuốn vào nhóm bạo lực đẫm máu.
Ông thắng giải văn học lớn Pulitzer với The Road, kể hành trình hậu tận thế của cha và con, được làm thành phim năm 2009. Những sách khác là All the Pretty Horses và No Country for Old Men cũng được chuyển thể lên màn ảnh. No Country for Old Men - anh em nhà Coen đạo diễn - thống trị Oscar 2008, trong đó có giải Phim hay nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Trang Cinemablend cho rằng phim thể hiện thành công tiết tấu, không khí và những bất ngờ trong tiểu thuyết.
Lấy bối cảnh miền Tây nước Mỹ hẻo lánh những năm 1980, Country for Old Men theo chân kẻ giết người tìm 2 triệu USD và ba người đàn ông truy đuổi lẫn nhau. Cuộc săn lùng, đối đầu của họ là cuộc đấu tranh giữa danh dự và công lý, cuộc chiến chống lại tội ác dai dẳng của con người.
Trailer phim "No Country for Old Men", chiếu năm 2007. Video: Movie Predictor
Trong sự nghiệp sáng tác, McCarthy từng đoạt Giải Sách Mỹ và Giải thưởng của Hiệp hội phê bình Mỹ. Bằng chất văn xuôi giản lược, khắc khổ ông ghi lại cuộc sống với các phức tạp ở ngoại cảnh và nội tâm nhân vật.
Tác giả John Banville gọi ông là "tiểu thuyết gia phi thường" và tác phẩm có thể "đứng sừng sững như các đỉnh núi ở Thung lũng Tượng đài". Saul Bellow - nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 1976 - cho rằng McCarthy "sử dụng ngôn ngữ áp đảo, những câu viết có thể mang lại sự sống hoặc cái chết".
Quỳnh Quyên