Trong căn nhà ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Vũ Đức Nguyên nằm co quắp một chỗ. Mọi sinh hoạt của anh, từ ăn uống đến vệ sinh cơ thể, đều nhờ mẹ. Hàng ngày, bà giúp anh mở máy tính xem tin tức, sáng tác. Thời tiết lạnh, tay Nguyên bị co cứng, cả tiếng mới gõ xong một bài thơ ngắn.
Ba năm trước, Nguyên có con trai với người phụ nữ ở gần nhà. Thế nhưng ở bên nhau một thời gian, hai người chia tay vì không hòa hợp. Con trai sống cùng mẹ, mỗi tháng, Nguyên được đón con về vài lần. Nhớ bé, anh viết:
"Thương con từ thuở lọt lòng
Chẳng được tay bố, bế bồng ầu ơ
Bố con nằm chỗ quắp co
Nuôi con bằng những nỗi lo dặm dài...
Thương con lệ ứa bờ mi
Giờ đây bố phải làm gì con ơi
Bố không được khỏe như người
Bố như gỗ mục bị đời ngoảnh ngơ"

Vũ Đức Nguyên bên con trai dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuộc đời nhiều nỗi buồn, Nguyên nói sống nhờ thơ ca và tình yêu thương của mẹ. Hồi nhỏ, anh sinh ra lành lặn nhưng khi được tám tháng tuổi thì sốt cao, chân tay teo tóp rồi liệt hẳn, lại mắc thêm bệnh phổi. Mẹ anh khi ấy là giáo viên cấp một, phải nghỉ ở nhà chăm sóc con.
Không thể đến trường, Nguyên được mẹ dạy 29 chữ cái rồi tự ghép vần, ghép câu. Lúc nhỏ, anh thích đọc truyện tranh Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, báo Hoa học trò. Lớn hơn một chút, anh tìm hiểu thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử.
Năm 2012, Nguyên bắt đầu có tài khoản Facebook. Nhờ lên mạng xã hội, anh đọc được một số bài thơ hay, rồi tham gia vào các hội nhóm thơ, cùng nhau đối đáp. Nhiều sáng tác của anh nói về khát khao sống khỏe mạnh:
"Cho tôi được nhảy được leo
Cho tôi đá bóng, thả diều, tắm sông
Cho tôi trọn kiếp đàn ông
Xin cho tôi được làm chồng, làm cha"
Tập thơ đầu tay, anh được nhiều người bạn trên Facebook giúp xuất bản. Tác phẩm in 1.000 cuốn, anh chủ yếu dùng để tặng. Hơn bốn triệu đồng bán số sách còn lại, anh dành tặng quỹ hỗ trợ trẻ em khuyết tật của tỉnh. Những tập sau, anh xin mẹ hoặc chị gái hỗ trợ, mỗi lần khoảng 20 triệu đồng.
Ít được ra ngoài, Nguyên tìm cảm hứng sáng tác qua việc nghe tin tức, đọc sách, phân tích các hiện tượng xã hội. Trong tập Người tình, anh viết 50 bài thơ về những rung động khi yêu. Đức Nguyên nói: "Nếu không có thơ ca, chắc tôi không thể sống đến hiện tại".

Tám tập thơ của Vũ Đức Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau hơn 10 năm sáng tác, Vũ Đức Nguyên in tám tập thơ, gần nhất là cuốn Chuyện thế gian, được ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - viết đề từ. Ông nhận xét: "Rất nhiều bài thơ của Vũ Nguyên nói về sự băng hoại đức hạnh của con người. Thói ích kỷ, lòng tham vô đáy đã dẫn con người đến thế giới của ma quỷ. Đồng tiền đã và đang trở thành mục đích sống của con người. Vũ Nguyên kêu lên về điều ấy. Vũ Nguyên cảnh báo một cái chết tinh thần của con người. Vũ Nguyên đưa ra cái vô nghĩa của đời sống này khi con người rời bỏ nhân tính". Ông đánh giá cao hai câu thơ của anh: "Niết bàn dù có xa xôi/ Tu đi cõi ấy là nơi tìm về".
Tiền bán thơ được Nguyên dùng để trang trải thuốc thang, thêm đồng ra đồng vào để nuôi con. Thỉnh thoảng, anh gặp nhà hảo tâm mua hàng trăm cuốn ủng hộ, thu được chục triệu đồng. Nhưng cũng có giai đoạn, vài tháng anh chẳng bán được cuốn nào. Hay có lần, độc giả ở Hà Nội nhắn mua 50 cuốn thơ nhưng khi giao hàng đến lại không nhận. Đức Nguyên nhận sách về, tự trả tiền vận chuyển. Đến nay, anh vẫn còn khoảng 1.000 cuốn thơ ở nhà.
Đức Nguyên vẫn sáng tác đều đặn nhưng không còn muốn in tác phẩm bởi "thơ ca khó bán, sách in ra không có người đọc". Hiện tại, anh vẫn sống dựa vào bố mẹ, đều ở tuổi ngoài 60. Anh nói: "Giờ tôi chỉ muốn bớt ốm đau, có thể ở bên bố mẹ và con ngày nào hay ngày ấy".
Hà Thu