Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu, thường do vi khuẩn gây ra, có thể làm đau rát kèm khó chịu khi sinh hoạt thường ngày.
Triệu chứng
- Không phải tất cả bệnh nhân viêm đường tiết niệu đều nhận thấy các triệu chứng lâm sàng đầy đủ và rõ rệt, nhưng hầu hết bệnh nhân đều phát hiện một số dấu hiệu của bệnh lý này như:
- Lúc nào cũng có cảm giác mắc tiểu, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Tình trạng tiểu rắt, chỉ tiểu một ít khi đi tiểu.
- Cảm giác nóng hoặc rát mỗi lần đi tiểu.
- Khi đi tiểu, nước tiểu có lẫn màu đỏ của máu, thường tiểu ra máu ở cuối bãi hoặc toàn bãi.
- Nước tiểu có màu đục, kèm mùi hôi khó chịu.
- Thêm vào đó, người bệnh gặp tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu còn xuất hiện một số dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý khác:
- Trường hợp viêm bể thận cấp tính:
- Người bệnh thường bị đau ở vùng hông, vùng lưng hoặc đau ở mạng sườn.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sốt cao, run, cảm thấy buồn nôn và nôn.
- Trường hợp viêm bàng quang:
- Bệnh nhân sẽ cảm thấy ở vùng bụng dưới bị tức nặng, ở vùng hạ vị có cảm giác đau tức, khó chịu.
- Bệnh nhân khi tiểu, có cảm giác tiểu buốt, rát và mùi hôi.
- Trường hợp viêm niệu đạo, lỗ tiểu tiết ra dịch mủ, đồng thời có cảm thấy bỏng rát mỗi khi đi tiểu.
Nhóm nguy cơ
- Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ.
- Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới do niệu đạo ngắn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang.
Viêm đường tiết niệu nguy hiểm không?
Căn bệnh này không chỉ mang lại những sự bất tiện đối trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm đường tiết niệu không kịp xử lý có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên niệu quản và đài bể thận.
- Suy giảm chất lượng tình dục, luôn trong trạng thái ngại, e dè, mất tự tin, cảm thấy đau khi quan hệ.
- Viêm đường tiết niệu là triệu chứng cảnh báo của các bệnh tình dục như lậu, sùi mào gà...
- Viêm tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh, tinh hoàn, túi tinh ở nam giới và viêm phụ khoa ở nữ giới gây hệ lụy đến vấn đề duy trì nòi giống
Điều trị
Điều trị bệnh lý viêm đường tiết niệu bao gồm loại trừ vi khuẩn gây viêm và khắc chế những yếu tố tạo sự thuận lợi gây ra bệnh.
- Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường dần mất đi sau thời gian vài ngày chữa trị.
- Một số trường hợp phải sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài hơn.
Trường hợp tình trạng viêm đường tiết niệu bị tái phát nhiều lần, thời gian chữa trị có thể phải kéo dài lâu hơn hoặc điều trị phối hợp bổ sung thêm các đợt kháng sinh ngắn mặc dù người bệnh đã không còn triệu chứng của viêm đường tiết niệu.
Đối với người bị nhiễm trùng đường tiết niệu có liên quan đến quan hệ tình dục, người bệnh có thể cần thực hiện chữa trị dự phòng với một liều thuốc kháng sinh sau mỗi lần quan hệ.
Trường hợp tình trạng bệnh lý có dấu hiệu nghiêm trọng, người bệnh phải đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được chữa trị và dùng kháng sinh truyền qua đường tĩnh mạch.
Nếu mắc viêm đường tiết niệu mạn tính, bệnh nhân cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và chẩn đoán chính xác. Việc này giúp quá trình điều trị phù hợp với những bất thường của đường tiết niệu. Hơn nữa, cũng cần thực hiện chữa trị và kiểm soát những biến chứng lâu dài có thể xảy ra, bao gồm suy thận.
Viêm nhiễm đường tiết niệu có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên bệnh có khả năng tái phát.
Phòng ngừa
- Uống đủ nước, trên 2 lít/ngày.
- Không nên kìm nén nhịn tiểu.
- Tránh sử dụng các loại thức uống chứa cồn hay có nhiều caffeine.
- Nên thực hiện việc vệ sinh vùng kín theo chiều từ trước ra sau.
- Hạn chế tắm và ngâm lâu trong bồn.
- Lựa chọn quần lót từ chất liệu cotton thoáng mát.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.