Covid-19, là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ở người, gây ra bởi một chủng virus corona. Nó bắt đầu lây lan vào cuối năm 2019 và trở thành đại dịch vào năm 2020.
Virus gây ra Covid-19 lây lan phổ biến nhất qua không khí trong các giọt chất lỏng nhỏ giữa những người tiếp xúc gần. Nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ. Nhưng đối với người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền, Covid-19 có thể dẫn đến phải nhập viện hoặc tử vong.
Tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ giúp ngăn ngừa bệnh nặng, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19. Các biện pháp khác có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus này bao gồm thông gió trong nhà tốt, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang đúng cách và vệ sinh tốt.
Thuốc có thể hạn chế mức độ nghiêm trọng của nhiễm virus. Hầu hết mọi người đều hồi phục mà không có tác dụng lâu dài, nhưng một số người có các triệu chứng kéo dài hàng tháng.
Triệu chứng
- Các triệu chứng Covid-19 điển hình thường xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus:
-
Ho khan.
-
Khó thở.
-
Mất vị giác hoặc khứu giác.
-
Mệt mỏi cực độ.
-
Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
-
Đau đầu, đau cơ.
-
Sốt hoặc ớn lạnh.
-
Các triệu chứng giống cảm lạnh như nghẹt mũi, sổ mũi hoặc đau họng.
- Một số người có thể chỉ có một vài triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào.
- Một số người có thể có các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khoảng 7 đến 14 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu.
- Hầu hết người mắc Covid-19 đều có các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Nhưng Covid-19 có thể gây ra các biến chứng y tế nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Người lớn tuổi hoặc những người đã có bệnh lý nền có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.
- Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
-
Không thể thở được hoặc khó thở.
-
Da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt, xám hoặc xanh.
-
Lú lẫn.
-
Khó thức hoặc tỉnh dậy.
-
Đau ngực hoặc tức ngực liên tục.
Tuy nhiên, danh sách trên không bao gồm mọi triệu chứng cấp cứu. Do đó, nếu bạn hoặc người mà bạn đang chăm sóc có các triệu chứng khiến gây lo lắng, hãy tìm sự giúp đỡ. Hãy cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe biết về kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hoặc các triệu chứng của bệnh.
Đường lây nhiễm
- Virus corona lây lan chủ yếu từ người sang người, ngay cả từ người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Khi người mắc Covid-19 ho, hắt hơi, thở, hát hoặc nói chuyện, hơi thở của họ có thể bị nhiễm virus Covid-19.
- Virus corona do hơi thở của người bệnh mang theo có thể rơi trực tiếp vào mặt của người ở gần, ví dụ như sau khi hắt hơi hoặc ho. Các giọt bắn hoặc hạt mà người nhiễm bệnh thở ra có thể bị người khác hít vào nếu họ ở gần nhau hoặc ở những nơi có luồng không khí kém. Và một người có thể chạm vào bề mặt có giọt bắn hô hấp rồi chạm tay lên mặt với bàn tay có virus corona.
- Có thể bị nhiễm Covid-19 nhiều lần. Theo thời gian, khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại virus có thể suy yếu. Một người có thể tiếp xúc với quá nhiều virus đến mức nó vượt qua khả năng miễn dịch của họ. Khi virus lây nhiễm cho một nhóm người, virus sẽ tự sao chép. Trong quá trình này, mã di truyền có thể thay đổi ngẫu nhiên trong mỗi bản sao. Những thay đổi này được gọi là đột biến.
- Nếu virus corona gây ra Covid-19 thay đổi theo cách làm cho các lần nhiễm trùng trước đó hoặc tiêm chủng kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh, mọi người có thể mắc bệnh trở lại.
- Virus gây ra Covid-19 có thể lây nhiễm cho một số vật nuôi. Mèo, chó, chuột đồng và chồn sương đã nhiễm virus corona này và có các triệu chứng. Song, hiếm khi một người bị nhiễm Covid-19 từ vật nuôi.
Nguy cơ
- Các yếu tố nguy cơ chính của Covid-19 là:
-
Người sống cùng mắc Covid-19.
-
Dành thời gian ở những nơi có luồng không khí kém và số lượng người đông hơn khi virus đang lây lan.
-
Tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 hơn 30 phút.
- Thực tế, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm virus gây ra Covid-19. Thời gian bạn tiếp xúc, không gian có luồng không khí tốt hay không và các hoạt động của bạn đều ảnh hưởng đến nguy cơ. Ngoài ra, việc bạn hoặc người khác có đeo khẩu trang hay không, người đó có triệu chứng Covid-19 hay không và bạn ở gần người đó như thế nào cũng ảnh hưởng đến nguy cơ của bạn. Tiếp xúc gần bao gồm ngồi và nói chuyện cạnh nhau, hoặc dùng chung ôtô hoặc phòng ngủ.
- Dường như hiếm khi mọi người mắc Covid-19 từ bề mặt bị nhiễm bệnh. Mặc dù virus được thải ra trong phân, nhưng nhiễm Covid-19 từ những nơi như nhà vệ sinh công cộng không phổ biến.
- Một số người có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng cao hơn những người khác.
-
Từ 65 tuổi trở lên.
-
Dưới 6 tháng tuổi.
-
Chưa tiêm vaccine Covid-19.
-
Bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh thalassemia.
-
Bệnh tim nghiêm trọng và có thể là huyết áp cao.
-
Bệnh thận, gan hoặc phổi mạn tính.
-
Mắc chứng mất trí nhớ hoặc Alzheimer cũng như mắc các bệnh về não và hệ thần kinh như đột quỵ.
-
Thường xuyên hút thuốc.
-
Có chỉ số khối cơ thể thuộc loại thừa cân hoặc béo phì.
-
Ung thư hoặc tiền sử ung thư.
-
Bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.
-
Hệ thống miễn dịch suy yếu do ghép tạng đặc hoặc ghép tủy xương, một số loại thuốc hoặc HIV.
-
Mang thai.
- Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến vấn đề sức khỏe cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng. Ví dụ như tình trạng y tế khi người bệnh sống trong nhà tập thể, hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra, những người có nhiều hơn một vấn đề sức khỏe, hoặc những người lớn tuổi có vấn đề sức khỏe cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn.
Biến chứng
- Các biến chứng của Covid-19 bao gồm:
-
Mất vị giác và khứu giác lâu dài.
-
Phát ban da và lở loét.
-
Có thể gây khó thở hoặc viêm phổi.
-
Các vấn đề y tế mà một người đã kiểm soát có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Các biến chứng nặng có thể bao gồm:
-
Hội chứng suy hô hấp cấp tính, khi các cơ quan của cơ thể không nhận đủ oxy.
-
Sốc do nhiễm trùng hoặc các vấn đề về tim.
-
Phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, được gọi là phản ứng viêm.
-
Cục máu đông.
-
Tổn thương thận.
- Sau khi nhiễm Covid-19, một số người cho rằng các triệu chứng tiếp tục trong nhiều tháng hoặc họ phát triển các triệu chứng mới. Hội chứng này thường được gọi là Covid kéo dài, hậu Covid-19, Covid-19 đường dài, hoặc PASC - viết tắt của các di chứng hậu cấp tính của SARS-CoV-2.
- Các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như cúm và bại liệt, có thể dẫn đến bệnh mạn tính. Nhưng virus gây ra Covid-19 chỉ mới được nghiên cứu kể từ khi nó bắt đầu lây lan vào năm 2019. Vì vậy, nghiên cứu về tác động cụ thể của các triệu chứng Covid-19 kéo dài vẫn đang tiếp tục. Các nhà nghiên cứu cho rằng hội chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra sau khi mắc bệnh ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào. Tiêm vaccine Covid-19 có thể giúp ngăn ngừa hội chứng hậu Covid-19.
Phòng ngừa
- CDC khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Vaccine Covid-19 có thể làm giảm nguy cơ tử vong hoặc bệnh nặng do Covid-19.
-
Nhìn chung, những người từ 5 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch điển hình có thể tiêm bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt hoặc cho phép đối với độ tuổi của họ. Họ thường không cần phải tiêm cùng một loại vaccine mỗi lần.
-
Một số người nên tiêm tất cả các liều vaccine từ cùng một nhà sản xuất vaccine, bao gồm:
-
Trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi.
-
Những người từ 5 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch suy yếu.
-
Những người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm một mũi vaccine Novavax nên tiêm mũi Novavax thứ hai trong loạt hai liều.
-
-
Hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu có bất kỳ câu hỏi nào về vaccine. Họ có thể giúp bạn nếu:
-
Vaccine mà bạn hoặc con bạn đã tiêm trước đó không có sẵn.
-
Không biết đã tiêm loại vaccine nào.
-
Đã bắt đầu một loạt vaccine nhưng không thể hoàn thành do tác dụng phụ.
-
-
Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị thêm liều vaccine Covid-19 nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. FDA cũng đã cho phép sử dụng kháng thể đơn dòng pemivibart (Pemgarda) để ngăn ngừa Covid-19 ở một số người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Ngoài việc tiêm chủng, còn có những cách khác để ngăn chặn sự lây lan của virus gây ra Covid-19. Hãy tạo thói quen:
-
Xét nghiệm Covid-19: Nếu có các triệu chứng của Covid-19, hãy xét nghiệm. Hoặc xét nghiệm 5 ngày sau khi bạn tiếp xúc với virus.
-
Giúp đỡ từ xa: Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị ốm hoặc có triệu chứng, nếu có thể.
-
Rửa tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Hoặc sử dụng nước rửa tay khô có cồn với ít nhất 60% cồn.
-
Che miệng khi ho và hắt hơi: Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay. Sau đó rửa tay.
-
Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào. Ví dụ, làm sạch tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử và quầy thường xuyên.
-
Cố gắng tản ra ở những nơi công cộng đông đúc, đặc biệt là những nơi có luồng không khí kém. Điều này rất quan trọng nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn.
-
Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng:
-
Khẩu trang có thể giúp làm chậm sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp nói chung, bao gồm cả Covid-19.
-
Khẩu trang giúp ích nhiều nhất ở những nơi có luồng không khí kém và nơi bạn tiếp xúc gần với người khác.
-
Ngoài ra, khẩu trang có thể giúp ích nếu những nơi bạn đi du lịch đến hoặc đi qua có mức độ bệnh cao.
-
Đeo khẩu trang đặc biệt quan trọng nếu bạn hoặc bạn đồng hành có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19.
-
Mỹ Ý (Theo Mayo Clinic)
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.