"Đôi khi không phải cứ học giỏi thì đời sẽ cho bạn một công việc tốt. Học giỏi không phải sẽ đảm bảo cho bạn một mức thu nhập tốt sau này. Với riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, thời điểm này người ta cần một IT đa nhiệm. Ở Mỹ, nhiều IT cấp cao còn bị sa thải là khác. Nhiều bạn trẻ đang bị tư tưởng học giỏi phổ cập làm ảo tưởng sức mạnh về bản thân, phải kiếm được việc lương cao.
Nếu mới chỉ có chút áp lực nhỏ lúc ban đầu mà bạn đã mất định hướng thì nếu gặp áp lực cao hơn trong tương lai, bạn sẽ giải quyết như thế nào? Bạn đã phải đối diện với những dự án bị lỗi nặng, gặp deadline, phải thức đêm để làm, phải điều phối chung và tự giải quyết các vấn đề chứ chẳng phải cầm tay chỉ việc từ A đến Z chưa? Tôi cảm giác kinh nghiệm của bạn cực kỳ ít, nhưng lại chưa chịu thoát khỏi cái bóng học giỏi của chính mình để hiểu rằng ngoài đời khác xa trường học".
Đó là quan điểm của độc giả Demynguyen xung quanh câu chuyện về bạn trẻ tốt nghiệp IT loại giỏi nhưng không nơi nào nhận vào làm việc suốt hai tháng. Khó xin việc sau khi ra trường lại câu chuyện không còn mới với các cử nhân đại học ở ta. Nhiều bạn trẻ mất một thời gian dài mới tìm được một công việc đúng chuyên môn, thậm chí không ít người phải chấp nhận làm trái ngành hoặc các công việc chân tay khác để có thu nhập.
Cho rằng vấn đề khó xin việc không của riêng ai, bạn đọc Tuhoing cho rằng thành công phụ thuộc vào sự kiên trì và quyết tâm của mỗi người: "Có câu 'Thuốc đắng giã tật', đúng là thực tế có vẻ khó nuốt trôi nhưng đây là cuộc sống, chúng ta buộc phải chấp nhận. Nếu ở đây không tìm được việc, thì các bạn phải chấp nhận sống xa nhà, tự xoay sở để sống độc lập.
Có thể bạn chấp nhận mức lương tập sự chỉ 5-7 triệu đồng, chấp nhận làm thêm giờ, chia sẻ phòng trọ, chi tiêu tằn tiện, tham gia vào một số dự án cụ thể với mục tiêu hoàn thiện kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, chủ động trong phần việc được phân công, đóng góp ý tưởng... Tóm lại giai đoạn đầu, ai cũng cần phải học việc dù trước đó bạn có học giỏi thế nào? Nếu nhanh thì một năm sau cơ hội sẽ đến với bạn, thậm chí rất nhiều là khác. Bấy giờ, việc của bạn là chọn được đúng nơi sở nguyện, kể cả môi trường lầm việc và chế độ đãi ngộ".
>> Cử nhân thất nghiệp vì nhiều đại học tuyển sinh dễ dãi
Chia sẻ với tâm trạng lo lắng của các bạn trẻ sau khi ra trường, độc giả Dạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiên nhẫn khi tìm việc: "Rất thông cảm với các bạn trẻ tốt nghiệp năm nay khi đúng thời điểm thị trường khó khăn. Tôi cũng có quen biết các bạn học các khối ngành công nghệ thông tin, biết rằng trước đây bạn chỉ cần có một số dự án riêng và có bằng từ khá trở lên là có thể dễ dàng tìm được công việc thực tập. Thị trường lúc đấy thậm chí còn mở rộng cơ hội cho các bạn làm trái ngành.
Còn bây giờ, các công ty đều gặp khó khăn, nhân viên có kinh nghiệm còn bị cho thôi việc, các công ty thu hẹp số lượng thực tập sinh, nên ngay cả sinh viên học lực giỏi, có dự án tốt cũng không chắc tìm được việc làm. Tôi chỉ biết khuyên các bạn cố gắng ứng tuyển vào càng nhiều công ty càng tốt, tận dụng các mối quan hệ với giảng viên (cái này nhiều bạn bỏ qua trong khi nhiều thầy cô vẫn giữ liên lạc với sinh viên khóa trước, có thể giới thiệu bạn vào những vị trí mà bạn không tìm thấy trên mạng), kèm theo đó là tham gia các ngày hội việc làm mà các trường đại học tổ chức...
Tóm lại, nhu cầu của thị trường vẫn có, quan trọng là các bạn có đủ cố gắng, kiên trì để vượt qua giai đoạn khó khăn này hay không? Nếu làm được, tôi tin sau này các bạn sẽ nhận được quả ngọt".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.