Con đầu lòng của vợ chồng chị Hà hiện hai tuổi. Chị đang mang thai con thứ hai 9 tuần, phát triển khỏe mạnh. Cả hai đều là kết quả của kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM).
Vợ chồng chị Hà thụ tinh ống nghiệm (IVF) ba lần nhưng thất bại do nang noãn không phát triển trong quá trình kích trứng. Năm 2022, họ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy chẩn đoán chị Hà vô sinh do rối loạn phóng noãn, giảm dự trữ buồng trứng, còn người chồng tinh trùng yếu, tỷ lệ di động chỉ còn 2%.
"Đây là trường hợp khó bởi người bệnh lớn tuổi, vô sinh lâu năm, số lượng và chất lượng trứng, tinh trùng đều giảm, lại đáp ứng kém với thuốc kích trứng", bác sĩ Thủy cho hay, chỉ định kích thích buồng trứng theo phác đồ cá thể hóa.
Siêu âm ghi nhận trứng của người bệnh kém phát triển, trưởng thành không đồng đều, chọc hút chỉ thu được một trứng đủ điều kiện sẵn sàng thụ tinh ngay. Số trứng non được phân loại theo mức độ trưởng thành, tiếp tục nuôi dưỡng trong môi trường nội tiết với thời gian phù hợp theo kỹ thuật IVM. Trứng non hoàn toàn được nuôi khoảng 28-52 giờ. Trứng gần đạt đến giai đoạn trưởng thành thì thời gian nuôi ngắn hơn. Các yếu tố tăng trưởng, huyết thanh, protein, steroid, gonadotropin... được tối ưu. Kết quả, các chuyên viên phôi học thu được 3 trứng trưởng thành, nâng cao tỷ lệ có thai cho chị Hà.
Mẫu tinh dịch của người chồng được ly giải trong tủ ấm ở 37 độ C. Sau đó, các chuyên viên phôi lọc rửa, chọn những tinh binh có hình thái và độ di động tốt tiêm vào bào tương noãn tạo phôi (kỹ thuật ICSI). Phôi được nuôi dưỡng trong phòng labo siêu sạch. Hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse tích hợp camera quan sát 24/24h và phần mềm phân tích, đánh giá chất lượng phôi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Mọi thông số vi mô về nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, nồng độ không khí, ánh sáng... được tối ưu như trong tử cung người mẹ, tăng khả năng sống và chất lượng của phôi. Kết quả thu được 3 phôi ngày 5.

Chuyên viên phòng lab đang thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương trứng đã trưởng thành để tạo thành phôi thai. Ảnh: IVF Tâm Anh
Để đảm bảo sinh con khỏe mạnh, vợ chồng chị Hà sàng lọc di truyền tiền làm tổ (xét nghiệm PGT) cả 3 phôi trước khi chuyển vào tử cung. Kết quả có hai phôi khỏe mạnh.
Niêm mạc tử cung của chị Hà mỏng, chỉ 6,8 mm, làm giảm khả năng bám dính và làm tổ của phôi. Bác sĩ Thủy chỉ định bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) vào buồng tử cung, giúp niêm mạc dày lên 7,6 mm, đủ điều kiện chuyển phôi.
Chị Hà được chuyển một phôi khỏe mạnh vào buồng tử cung và đậu thai ngay lần đầu. Phôi còn lại được trữ đông. Suốt thai kỳ, chị được bác sĩ sản khoa theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Tháng 12/2022, họ đón con trai đầu lòng nặng 3,6 kg. Sau hai năm, vợ chồng chị quay lại IVF Tâm Anh rã đông phôi còn lại, chuyển tiếp vào buồng tử cung và đậu thai.
Bác sĩ Thủy cho biết nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm ít xâm lấn, thích hợp sử dụng cho trường hợp vô sinh hiếm muộn do đáp ứng buồng trứng kém, mắc bệnh lý buồng trứng đa nang, hội chứng buồng trứng kháng thuốc, tiền sử quá kích buồng trứng, người bệnh gấp rút điều trị ung thư có nhu cầu bảo tồn khả năng sinh sản... Bên cạnh đó, trong trường hợp chọc hút không thu được số lượng noãn trưởng thành như mong đợi, IVM giúp bác sĩ tận dụng, nuôi trưởng thành những noãn non chưa đạt đủ điều kiện thụ tinh, nhằm tối ưu hóa số lượng phôi khả dụng, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí, tránh phí phạm noãn của người bệnh.
Việc phân loại mức độ trưởng thành trứng sau khi chọc hút và nuôi trứng đúng cách giúp tỷ lệ tạo phôi từ trứng non đạt hiệu quả tương đương với phương pháp IVF thông thường. Việc kiểm soát thời điểm kết hợp trứng với tinh trùng cũng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo phôi có chất lượng tốt nhất. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tai biến thai kỳ như thai sinh hóa, thai ngoài tử cung, sảy thai, lưu thai... từ phôi IVM không khác biệt đáng kể so với phôi từ IVF thông thường.
Tại IVF Tâm Anh, nhờ hệ thống phòng lab và công nghệ nuôi cấy phôi khép kín, năm 2024 tỷ lệ chuyển phôi thành công và sinh con khỏe mạnh nhờ kỹ thuật IVM tương đương thế giới, đạt khoảng 40%.
Ngoài ra, những công nghệ thụ tinh ống nghiệm hiện đại như gom trứng, gom phôi, nuôi cấy phôi nang, trữ đông phôi, trứng và tinh trùng, phẫu thuật tìm tinh trùng, sàng lọc phôi tiền làm tổ, xét nghiệm xác định thời điểm niêm mạc tử cung tiếp nhận phôi (ERA test)... có thể giúp các cặp vợ chồng tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh. Tỷ lệ thành công trung bình của một chu kỳ IVF tại IVF Tâm Anh đạt khoảng 78,7%. Với người vợ dưới 28 tuổi, tỷ lệ này đạt tới gần 85%.
20h ngày 18/2, chương trình tư vấn trực tuyến "Đỉnh cao công nghệ nuôi phôi - Những kỹ thuật trong phòng lab hiện đại nhất để tối ưu hiệu quả IVF" sẽ được phát trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội gồm TS.BS Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản; BS.CKI Lê Đức Thắng, ThS.BS Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được giải đáp. |
Trịnh Mai