Tôi sinh con thứ hai khi bé đầu mới được 22 tháng tuổi. Tôi đã trải qua một khoảng thời gian thực sự vất vả. Mỗi lần nhớ lại, tôi cứ ngỡ mình là siêu nhân mới có thể vượt qua được. Sinh con thứ hai được vài tháng thì bé lớn nhà tôi có những biểu hiện bất thường. Sau sinh, tôi ở viện hai ngày (bé lớn ở cùng), sau đó về nhà. Bé lớn sợ bị giành mất mẹ nên từ chuyện ăn uống, tắm rửa, vệ sinh... cũng đều đòi mẹ làm giúp chữ không chịu để bất cứ ai động vào.
Một thời gian sau, bé có biểu hiện tâm lý bất ổn, tăng động, dễ đánh em. Khi bé thứ hai được ba tháng tuổi, tôi phải đưa con đầu đi khám ở khoa tâm lý bệnh viện Nhi đồng. Bác sĩ kết luận bé bị khủng hoảng tuổi lên ba nặng, một phần do có em sớm.
Sau khi khám về, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách quan tâm tới bé. Tôi dùng máy hút sữa, để bé chị uống trước, bé em bú sữa sau và giải thích rằng khi có em "con có lợi ích là được uống sữa mẹ". Khi chăm bé nhỏ, tôi đều rủ bé lớn tham gia để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc khi có em. Trong gia đình, bé lớn được ưu tiên hơn em về mọi thứ: tối bé ngủ với mẹ, còn em phải ngủ trên nôi riêng, chúng tôi không bắt bé phải nhường cho em trong bất kỳ chuyện gì...
>> Hái quả ngọt nhờ hành trình dạy con tự lập từ hai tuổi
Khi tâm lý bé dần ổn định, tôi khéo léo tâm sự với con về tình yêu thương đối với em trai, rằng em đã yêu chị và nhường chị như thế nào... Khoảng sáu tháng sau, bé lớn trở nên đặc biệt yêu và quan tâm chăm sóc em. Khi bé em 1,5 tuổi tôi tập cho hai con ngủ riêng. Có một đêm, bé lớn nhớ mẹ nên qua phòng ngủ cùng. Ôm mẹ được mấy phút, bé thủ thỉ với tôi "con về phòng chứ sợ em khóc".
Đến bây giờ, ở tuổi thứ tám, hai chị em như hai con chim non, quấn quýt không rời. Hiện, tôi vẫn chưa bắt bé lớn phải nhường cho em bất cứ thứ gì, chưa bao giờ nói với con những câu kiểu như "lớn phải nhường cho em". Thay vào đó, tôi luôn xử công bằng, vì vậy mà bé em cũng rất hiền lành, không mè nheo hay ngang ngược, ương bướng. Tôi chỉ dạy cho con về tình yêu thương và sự chia sẻ.
Tôi cũng luôn dạy và khuyến khích hai con về làm việc nhóm nên cả hai bé có thể chơi chung với nhau như hai người bạn. Mỗi sáng, nhìn hai con chào mẹ rồi tung tăng xuống hầm lấy xe đạp đến trường, tôi cảm thấy mọi khó khăn vất vả mình đã trải qua thật giá trị. Bạn hãy yêu thương bé nhiều hơn, cho bé cảm nhận che chở và an tâm đồng thời tâm sự với con nhiều hơn. Tôi tin sau một thời gian, bé sẽ vượt qua nỗi sợ hãi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.