Tôi thấy số lượng các cặp đôi "đứt gánh giữa đường" hiện nay chắc chắn nhiều hơn rất nhiều so với với trước đây. Để nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn sẽ có rất nhiều. Và "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nên chẳng có một đáp án nào là đúng để lý giải cho tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến hiện nay.
Với một cách nhìn cởi mở và khoáng đạt thì tình trạng ly hôn cũng không phải là điều gì đó ghê gớm, làm cho người ta dị nghị như vài ba chục năm về trước . Trong một số trường hợp ly hôn còn là giải pháp tối ưu nhất cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc .
Tuy nhiên dù với bất kỳ lý do gì thì ly hôn là một sự thất bại của hôn nhân. Vì bất cứ cặp đôi nào khi đã đến với nhau thì họ cũng đều mong muốn được cùng nhau đi đến cuối cuộc đời.
Người thân, bạn bè cũng đều mong muốn và luôn cầu chúc cho họ được "trăm năm hạnh phúc". Đương nhiên, trong rất nhiều trường hợp ly hôn cũng để lại những hậu quả nhất định cho cả người trong cuộc, người có liên quan và cả xã hội nữa.
Ly hôn là điều không ai mong muốn. Vậy tại sao tình trạng ly hôn vẫn diễn ra phổ biến và càng ngày càng có xu hướng tăng (cả về số lượng và tỷ lệ)?
Theo tôi đó là do có nhiều cặp vợ chồng hiện nay không xác định được các lằn ranh đỏ cho cuộc sống hôn nhân hoặc có đặt ra được nhưng họ lại cố tình vượt qua. Những lằn ranh đỏ là gì?
Ngoại tình
Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì sự chung thủy vẫn là một tiêu chí được đại đa số coi trọng. Bởi vậy nên việc vợ hoặc chồng hay cả hai mà ngoại tình thì nguy cơ đổ vỡ hôn nhân là rất cao. Có nhiều người rất nghiêm khắc, chỉ cần vợ hoặc chồng mà ngoại tình dù chỉ một lần họ cũng không thể tha thứ.
Cũng có những người bao dung hơn sẵn sàng tha thứ cho lầm lỡ (cũng có khi cố tình) của vợ, chồng nhưng những ám ảnh về những cuộc tình vụng trộm sẽ đeo đẳng và dày vò họ mọi lúc mọi nơi nên rất khó để họ có được sự tôn trọng đối với người bạn đời.
Họ cũng không cảm thấy thoải mái trong mọi mối quan hệ nên dần dần cuộc ống vợ chồng tẻ nhạt, có nhiều xa cách nên việc đổ vỡ cũng không phải là điều gì khó hiểu. Vì vậy nếu ai đó còn trân trọng cuộc sống gia đình thì tốt nhất đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ngoại tình.
Bạo hành gia đình
Ngày xưa khi xã hội còn bị ràng buộc bởi những quy định nghiệt ngã, khắt khe của tư tưởng phong kiến thì người phụ nữ dù có bị bạo hành đến đâu cũng đành cam chịu. Họ không có sự lựa chọn nào khác khi bước vào cuộc sống hôn nhân đó . "xuất giá tòng phu" mà.
Ngày nay cuộc sống văn minh hơn, bình đẳng giới được đề cao. Vị thế người phụ nữ được nâng lên, họ có đủ năng lực và điều kiện để độc lập về mặt tài chính. Họ được pháp luật bảo vệ, được rất nhiều tổ chức, đoàn thể giúp đỡ trong mọi điều kiện hoàn cảnh nên họ sẽ không dễ gì chấp nhận tình trạng bạo lực trong hôn nhân.
Sau những giải pháp mà tình trạng bạo hành không chấm dứt thì họ sẵn sàng ly hôn để giải thoát cho mình (đôi khi là cả những người thân của họ nữa).
Các tệ nạn
Với một xã hội bùng nổ rất nhiều thứ như hiện nay (bùng nổ về thông tin, về giao thông đi lại...) thì cũng đồng nghĩa các tệ nạn xã hội cũng phát sinh, phát triển theo một tỷ lệ thuận tương ứng.
Rất nhiều tệ nạn bủa vây, đầy cám dỗ khắp mọi nơi (nhậu nhẹt, mại dâm, ma túy, cờ bạc, đề đóm...). Nó có thể len lỏi vào tận những mái ấm gia đình nếu các thành viên không đủ nhận thức và bản lĩnh để miễn nhiễm với chúng thì chúng sẽ âm thầm tàn phá kết cấu của gia đình.
Bắt đầu là hủy hoại nhân cách, ý chí, sức khỏe, khát vọng của người mắc tệ nạn, sau đó là tiền bạc, của cải, là sự bình yên ấm áp của gia đình . dần dần dẫn đến lục đục, cãi vã... và cuối cùng không thể chịu đựng được nữa thì tan đàn xe nghé . Cái tôi và sự cố chấp: Mỗi người dù có tính cách như thế nào thì vẫn có cái tôi của mình.
Cái tôi đôi lúc cũng tốt trong việc bảo vệ quan điểm và chính kiến của mình. Thế nhưng trong cuộc sống gia đình nếu mỗi người thể hiện cái tôi của mình quá lớn, không có sự nhún nhường khi cần thiết thì rất nhiều khả năng dẫn đến xung đột .
"Nhân vô thập toàn", người xưa đã đúc kết như vậy và rõ ràng nó đã trở thành một tuyên ngôn về tính cách con người. Vì vậy trong cuộc sống hôn nhân chúng ta cần phải chấp nhận những thiếu sót, khuyết điểm và cả những lỗi lầm trong quá khứ (trong chừng mực nào đó) của người bạn đời.
Cần phải có cái nhìn bao dung, một thái độ cởi mở xây dựng với vợ, chồng của mình. Nếu một trong hai người hoặc cả hai người cứ chăm chăm cố chấp, rồi suốt ngày bắt bẻ, đay nghiến với "nửa kia" của mình từ những điều nhỏ nhặt thì sẽ gây ra nhiều ức chế, tạo nên bầu không khí căng thẳng, nặng nề trong gia đình. Lâu dần rồi thế nào cũng "chuyện bé xé ra to". Khi đó việc tan đàn xe nghé cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Thiếu "lửa"
Có những cặp vợ chồng mà khi họ chia tay những người xung quanh "không thể hiểu nổi". Họ không có ngoại tình, không có bạo hành, không có tệ nạn, kinh tế ổn, gia đình bình yên ...Vậy thì tại sao họ phải chia tay?
Đó chính là họ không giữ được lửa ấm cho quan hệ vợ chồng. Họ thiếu đi sự quan tâm chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Thậm chí nhiều khi họ muốn có một trận cãi nhau, một sự mắng mỏ để cho bớt tẻ nhạt nhưng cũng không có. Cuối cùng không chịu nổi sự lạnh nhạt, u ám, ngột ngạt nên họ chọn chia tay.
Các mối quan hệ
Hôn nhân không chỉ đơn thuần là người này lấy người kia mà đằng sau nó còn phát sinh rất nhiều mối quan hệ khác như mẹ chồng- nàng dâu, con rể-bố vợ, rồi anh chị em bên vợ bên vợ, bên chồng...
Nhiều khi chỉ vì những mâu thuẫn, những khúc mắc từ những mối quan hệ này mà nếu các bên không tìm được giải pháp xử lý thật tinh tế và hợp lý nhiều khi cũng dẫn đến sự đổ vỡ đáng tiếc.
Thiếu động lực từ một phía
Cuộc sống hôn nhân cần nhiều thứ. Từ những thứ mang tính định lượng như cơm áo, gạo tiền cho đến những thứ không thể đong đếm như công việc nhà, chăm lo con cái...đòi hỏi rất nhiều những sự cố gắng nỗ lực của từ cả hai phía . Nếu một trong hai người thiếu động lực, ỷ lại thì rất dễ tạo ra sự chán nản cho bên còn lại . Đây cũng là mầm mống cho những sự rạn nứt.
Người ta thường nói "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nếu chịu khó tìm hiểu về các cặp đôi đã chia tay hẳn chúng ta sẽ tìm được thêm vô số những lý do dẫn đến tan vỡ. Mà ở đó chắc chắn sẽ có những lằn ranh đỏ đáng lẽ họ không nên vượt qua.
Tôi nghĩ, trước khi về chung nhà các cặp đôi nên thẳng thắn, nghiêm túc cùng nhau đặt ra những giới hạn của những khía cạnh cuộc sống, những điều cấm kỵ để cùng nhau đi đến cuối cuộc hành trình thú vị nhất của một đời người - đó là hôn nhân.
Lê Quảng Đại
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.