"Tôi đến Sài Gòn năm 1990, khi còn là cậu bé sinh viên năm nhứt đã nghe thấy chuẩn bị triển khai mở rộng ngã tư Hàng Xanh, Cầu Bình Triệu, quốc lộ 13 đến ngã tư Bình Phước. Không hiểu sao dự án treo đến bây giờ?".
Độc giả Mr Kim chia sẻ như trên, sau Đề xuất làm đường trên cao nối TP HCM - Bình Dương.
Quốc lộ 13 nối TP HCM với Bình Dương ngoài mở rộng lên 60 m còn được đề xuất làm thêm đoạn trên cao dài hơn 3 km ở giữa tuyến, tổng vốn hơn 21.700 tỷ đồng.
Phương án nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP HCM.
Độc giả Do Nhat cùng chung cảm nhận: "Dự án từ thời tôi mới lên thành phố học, nay con học cấp II rồi vẫn thấy y nguyên. Ngày nào cũng kẹt xe chen chúc nhau đến ngán ngẫm. Nếu mở rộng, làm đường trên cao chỉ tới cầu Bình Triệu thì vẫn còn vướng đoạn tới Hàng Xanh, thật nan giải".
Độc giả Kiên Pt6498 nói: "Đoạn đường dài khoảng 5 km nhưng nhức nhối về kẹt xe với nhiều đề xuất qua vài thập kỷ mà hiện trạng vẫn y nguyên. Và để cởi nút thắt đoạn từ Hàng Xanh tới Cầu Bình Triệu cũng nan giải không kém".
Trong khi đó, độc giả quanganh.btmc nói: "Quốc lộ 13 không tắc, tắc ở các nút giao ở địa bàn TP HCM nên thay vì làm đường trên cao thì nên sử dụng số tiền ấy để xử lý các vấn đề trước mắt đã hiển hiện rất lâu rồi".
Độc giả Jack Nguyen nói: "Đoạn Hàng Xanh - Bình Triệu không đủ khả năng tái định cư khi chi phí lớn và khó thỏa thuận, thì nên xây tuyến đường ngầm gồm một tuyến tàu điện ngầm và các điểm trung chuyển buýt điện kèm hạ tầng bãi giữ xe.
Sẽ có cơ hội giải tỏa mặt bằng bên trên cho thế hệ sau này, khi mật độ giao thông bên trên giảm đi bằng cách hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân, buôn bán bớt sầm uất và giá mặt bằng hạ nhiệt".
Liệt kê giải pháp, độc giả Annie NguyenPham viết: "Khi làm cần phải làm đồng bộ, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh mới phát huy hết hiệu quả.
Chứ mở rộng quốc lộ 13, xe dồn về các con đường đó để đi vào thành phố lại kẹt cứng thì cũng như không. Cần phải có tầm nhìn, không làm từng đoạn rồi lại kẹt cứng sau đó".
Quay lại với chia sẻ đầu tiên, độc giả Mr Kim "phân vân": "Năm nay tôi đã nghĩ đến việc xin nghỉ hưu sớm, vậy có nên cố gắng làm việc chờ đến khi dự án hoàn thành?".
Trước đây, nhằm giảm ùn tắc cho cửa ngõ trên, TP HCM đã tính triển khai dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), gồm nhiều hạng mục như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây nút giao Đài Liệt sĩ, hầm chui hướng Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13... Tuy nhiên, dự án đã dừng do đoạn này không phù hợp làm dự án BOT trên đường hiện hữu. Để giảm áp lực giao thông cho khu vực, Sở Giao thông Vận tải mới đây đề xuất chính quyền thành phố ưu tiên đầu tư mở rộng hai tuyến Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Trong đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ triển khai trên đoạn dài 2 km, từ Hàng Xanh tới chân cầu Bình Triệu (gồm một đoạn quốc lộ 13 qua bến xe Miền Đông). Mặt đường được mở rộng lên 30 m và xây nút giao Đài Liệt sĩ theo phương án đảo vòng xoay kết hợp hầm chui. Dự án có tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. |
Hữu Nghị tổng hợp