Mấy ngày hôm nay nhiều phụ huynh xôn xao trước quy định mới về dạy thêm, học thêm. Tôi cũng có con, vài tháng nữa thi chuyển lên cấp ba. Mong ước của bé là đậu vào một trường chuyên có tiếng của tỉnh nhà.
Con tôi cố gắng học để thực hiện được mục tiêu đó. Vậy có gì mà sai khi con tôi đi học thêm, nâng cao kiến thức để cho kiến thức của mình ngày càng tốt hơn?
Từ ngày xưa, cũng đã có các kỳ thi quan trọng để chọn ra những người có đức, có tài. Để đỗ, đạt, thi đậu, ai cũng phải thức đêm thức hôm học bài. Vậy mà ngày nay, tôi còn thấy có những tư tưởng học vừa thôi, để có thời gian vui chơi, giải trí. Tôi đồng ý là phải có thời gian cho các em giải trí, vui chơi, nhưng việc học là phải đưa lên hàng đầu, đơn giản, còn nhỏ không học thì làm gì.
Thiên tài đi nữa, họ cũng chỉ có 30% tố chất thông minh, còn lại 70% là sự cần cù học hỏi. Tôi cũng đã trải qua bao năm ngồi trên ghế nhà trường, cũng như các bạn. Chúng ta nhận thấy rằng, trong lớp có bạn yếu, bạn giỏi, bạn tiếp thu nhanh, bạn tiếp thu chậm. Nếu thầy cô mà dạy nhanh, dạy chương trình cao, thì bạn yếu theo không nổi. Mà, thầy cô dạy nhanh chậm, dạy chương trình trung bình thì tội cho các bạn học giỏi, không thể phát triển hết khả năng.
Vì thế, những bạn học giỏi, có đam mê học thì phải đi học thêm. Đó là nhu cầu chính đáng và hợp lý. Có bao giờ chúng ta tạm gác bỏ qua tiêu cực, nhìn nhận vấn đề rằng thầy cô vừa dạy trên lớp vừa dạy thêm các học sinh của mình ở ngoài là điều tốt không?
Theo tôi, học thêm vẫn có mặt tốt, vì thầy cô sẽ biết học sinh của mình trong môn học này yếu cái gì, mạnh cái gì, để chỉ dạy cho học sinh toàn vẹn hơn, tốt hơn. Không nên có tư duy rằng nếu không quản lý được thì phải cấm, trong đó có không ít người bị ảnh hưởng đến nhu cầu học hỏi chính đáng của mình.
Có một số ý kiến cho rằng, đã giỏi rồi thì không đi học thêm cũng giỏi. Theo tôi, ý kiến đó vẫn không đúng. Trong học hành, quan trọng nhất là sự hướng dẫn, đào tạo mới làm cho học sinh phát triển tốt. Tại sao, khi học đại học, có ai đi học thêm? Vì khi đó, con người đã đủ tuổi trưởng thành để tự học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu. Còn với tuổi nhỏ hơn thì sao? Cho dù có giỏi nhưng không kèm học thì cũng lao vào game, ngủ, xem tivi...
Rồi lại có tư tưởng rằng giáo dục mình nặng thành tích; xin thưa, nước nào cũng nặng thành tích. Để vào những trường đại học lớn trên thế giới như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) hay Thanh Hoa (Trung Quốc), bạn có thành tích bình thường vào được không?
Tóm lại, vấn đề dạy học thêm là quyền của mọi thầy cô và học sinh. Trong đó, có một số vấn đề phát sinh tiêu cực về điểm hay đề thi, thì chúng ta nên nghiên cứu, khắc phục và làm cho nó tốt hơn, còn không nên cấm thế này hay thế kia.
Quay lại vấn đề nhà tôi, còn vài tháng nữa con tôi thi lên cấp ba và mơ ước của con tôi là đậu vào một trường có tỷ lệ chọi khá cao. Bất ngờ, chiều qua, mấy môn học thêm, thầy cô cho nghỉ hết vì quy định mới.
Con tôi sốc, tôi sốc. Nếu không học thêm để nâng cao học thức thì khả năng đậu thế nào? Trong khi ở những trường học bán trú, nội trú, con người ta học cả ngày. Còn nếu tự học với học sinh lớp 9 thì khả năng tự nghiên cứu, học có không?
HT