Sau bốn cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố ra mắt lần lượt từ năm 2014 đến năm 2017, nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục ra mắt tập năm. Sách dày 254 trang, góp nhặt các chuyện kể, hình ảnh tư liệu về Sài Gòn những năm 1930.
Thời kỳ này, Sài Gòn đang chịu ảnh hưởng từ cuộc Đại suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Người dân vẫn cần mẫn làm ăn buôn bán, vượt qua cơn khủng hoảng. Tác giả ghi lại câu chuyện kinh doanh của những hệ thống nhà hàng điểm tâm Đức Thành Hưng, công ty mỹ nghệ Mê Linh hay chuyện một phụ nữ không biết chữ trở thành chủ nhân của nhà in có tiếng nhất nhì Sài Gòn...
![Bìa sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2018/01/24/Sa-i-Go-n-2365-1516793323.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5IRcj_XB8jv7fjKjl8vH-Q)
Bìa sách "Sài Gòn - Chuyện đời của phố".
Về văn hóa nghệ thuật, tác giả đưa ra những tư liệu mới về hoạt động của ông Nguyễn Ngọc Cương - cha Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương. Ông là người đã đưa hoạt động sân khấu cải lương vào nền nếp, đồng thời khởi xướng xây dựng trường Âm nhạc và Kịch nghệ tại Nam Kỳ từ năm 1944. Phạm Công Luận cũng nhắc đến hãng đĩa Lê Văn Tài - tiền thân của hãng Đĩa Hát Việt Nam - nơi tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Vương và soạn giả Viễn Châu.
Nhiều bài viết như Đêm xuân Chợ Lớn, Trường Đình cây đa, Hương vị ngã ba... đề cập đến chuyện ăn Tết, du xuân, thú ẩm thực của người Sài Gòn.
Phụ lục Tác phẩm hội họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975 tập hợp hơn 100 bức tranh in trên nhiều sách báo xưa cùng phần tiểu sử vắn tắt của tác giả.
Phạm Công Luận sinh năm 1961 ở TP HCM. Anh là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay...
Tác phẩm nổi bật của Phạm Công Luận là bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, ra mắt tập đầu năm 2014.
Hà Thu