"Người khổng lồ của văn chương" Milan Kundera qua đời ngày 12/7, để lại nhiều thương tiếc trên văn đàn. Dịp này, một số tác phẩm quan trọng của ông được nhắc lại, trong đó có quyển Nghệ thuật tiểu thuyết - phát hành ở Việt Nam cùng tháng.
Ngày 27/8, tại cuộc trò chuyện với độc giả ở TP HCM về đề tài viết tiểu thuyết, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói những quan niệm độc đáo và mới lạ về thể loại tiểu thuyết trong sách của Kundera có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nhà văn. Ông còn nhớ khi nhà văn Nguyễn Khải lần đầu đọc được bản thảo dịch của Nghệ thuật tiểu thuyết đã thốt lên: "Tiếc quá, nếu mình đọc được cái này sớm hơn thì đời văn của mình đã khác rồi".
Theo The New Republic, cuốn sách của Milan Kundera có thể "kích thích người đọc về tiểu thuyết và triết học, nhận thức và sự thật, đồng thời là một ví dụ xuất sắc về nghệ thuật viết tiểu luận".

Tác phẩm "Nghệ thuật tiểu thuyết" là cuốn tiểu luận thứ hai của Milan Kundera được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành vào tháng 7, sau "Những di chúc bị phản bội". Ảnh: Nhã Nam
Nghệ thuật tiểu thuyết là tiểu luận gồm bảy phần, nêu quan điểm của cá nhân Milan Kundera về tiểu thuyết châu Âu và lịch sử của nó. Mở đầu cuốn sách, Kundera cho rằng khoa học nhìn con người như một đối tượng nghiên cứu, nhưng lại đánh mất con người, văn học không nghiên cứu về con người, mà nghiên cứu về hiện sinh. Ông bộc lộ cái nhìn nghiêm khắc về ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của tiểu thuyết, đồng thời đề cao sự hiểu biết và tinh thần khám phá ở thể loại này như là chuẩn mực đạo đức của người sáng tác.
"Tiểu thuyết không phải như một thể loại, mà như một hình thức nhận thức cuộc sống. Hiểu biết hay nhận thức là đạo đức lớn nhất của tiểu thuyết", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm về nghệ thuật viết tiểu thuyết, tại salon văn hóa Cà phê thứ bảy, ở TP HCM, ngày 27/8. Ảnh: Ngạn Bình
Ngoài Kundera, các diễn giả ở buổi tọa đàm còn bàn về cuốn Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ của Mario Vargas Llosa, nhà văn đến từ vùng đất Mỹ Latin - tượng đài của văn học hiện đại với nhiều tiểu thuyết đặc sắc. Ông đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010 và giải Miguel de Cervantes - giải thưởng danh giá dành cho các nhà văn viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Cuốn cẩm nang về nghề viết tiểu thuyết của Llosa được giới chuyên môn đánh giá là "mang tính đối thoại, thân tình và uyên bác". Chính ông những ngày mới bắt đầu viết lách cũng từng muốn viết thư hỏi xin kinh nghiệm từ những nhà văn lỗi lạc đi trước nhưng lo lắng sẽ không ai trả lời. Vì vậy, có thể xem tác phẩm của Llosa vừa là một món quà cho những nhà tiểu thuyết trong tương lai, vừa là hồi ức của chính ông về nghề.
Hai tác phẩm của Kundera và Llosa đều hướng đến thể loại tiểu thuyết với cách nhìn riêng về lịch sử và chiêm nghiệm dành cho những ai yêu mến văn chương. Theo nhà văn Huỳnh Trọng Khang, những chia sẻ của hai tác giả hữu ích với cây viết trẻ, những người còn đang đi tìm một phong cách viết trong một thế giới có quá nhiều sự phân rã, mâu thuẫn, hoang mang về tương lai của văn chương khi Trí tuệ nhân tạo (AI) "đe dọa" lĩnh vực sáng tác.

Cuốn "Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ" của tác giả Mario Vargas Llosa do Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành hồi tháng 6. Ảnh: Nhã Nam
Các nhà văn trẻ dường như luôn phải đối mặt với nhiều thử thách, không chỉ trong việc mài dũa kỹ năng, trau dồi ngôn từ, mà còn ở quá trình định hình bản sắc hay đi tìm tiếng nói bên trong bản thân. Theo tiến sĩ Văn học Lê Ngọc Phương, với các cây bút thế hệ sau, việc bắt chước phong cách của các nhà văn lớn có thể xảy ra, tuy vậy đây là điều không thể. Thay vào đó, các tác giả trẻ nên rút ra bài học về thái độ với văn chương, kỷ luật trong công việc và quan niệm sáng tác.
Ngạn Bình