Sách giáo khoa mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mang đến không khí mới, "cái được" cũng có nhiều, "cái mất" cũng có. Cái được thì các chuyên gia, các nhà phân tích đã bình luận rất nhiều. Tuy nhiên "cái mất" vẫn ít người đề cập đến hoặc có thể chưa được trải nghiệm nên chưa biết. Tôi xin được có vài ý kiến về "cái mất" để chúng ta có cái nhìn thực tế và có biện pháp khắc phục tốt hơn.
Về vấn đề gộp các môn, mạch kiến thức sách giáo khoa môn tổ hợp Khoa học tự nhiên lớp 7 và lớp 8 hiện nay, phần kiến thức Hóa học bố trí ở đầu, ở giữa là phần kiến thức môn Vật lý, phần kiến thức của môn Sinh học bố trí ở cuối. Nếu tuân thủ mạch kiến thức này, học sinh sẽ được học hết phần kiến thức môn Hóa học rồi mới đến Vật lý và cuối cùng là Sinh học. Như vậy, học sinh sẽ bị "no dồn, đói góp".
Nhiều giáo viên tâm huyết cũng bày tỏ quan điểm với tôi rằng rất buồn và thương học sinh vì Hóa học chỉ học ở học kỳ I, bẵng đi học kỳ II, rồi lại qua nghỉ hè, năm sau mới tiếp tục học tiếp. Học như vậy, học sinh giỏi cũng chưa chắc nhớ kiến thức chứ đừng nói là học sinh trung bình yếu. Các môn khác cũng tương tự vậy.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng học sinh giỏi cũng gặp nhiều trở ngại. Trước kia, khi các môn được tách riêng biệt, các em có thể yêu thích môn Sinh, học giỏi môn này, còn hai môn Vật lý và Hóa học có thể chỉ ở mức khá, nhưng vẫn được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh và thực tế có nhiều học sinh, nhiều nhân tài đã được phát hiện như vậy.
>> 'Rối não' lựa chọn môn tổ hợp lớp 10
Tuy nhiên giờ đây, vì dạy tích hợp ba môn đó thành môn tổ hợp Khoa học tự nhiên, nên các em phải học đều cả ba môn. Những em có năng khiếu một môn trong số đó đã hiếm, này lại đòi hỏi phải giỏi cả ba môn như vậy, càng là chuyện khó hơn. Do vậy, những học sinh theo diện "chủ nghĩa bình quân", chỉ cần chăm học lại thường tỏ ra nhỉnh hơn học sinh có năng khiếu một môn khi xét về mặt điểm số bài kiểm tra. Vì thế, việc phát hiện và chọn học sinh giỏi trong môn tổ hợp thường bị thiên theo hướng bình quân và bỏ qua nhân, học sinh năng khiếu đơn môn.
Về lâu dài, chúng ta đang tìm kiếm nhân tài toàn diện, song toàn, giỏi cả Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhưng "nhân vô thập toàn", liệu có nhiều nhân tài như vậy không? Phải chăng, chúng ta đang vô tình định hướng nhân tài thế hệ trẻ theo xu thế toàn tài, điều đó có quá sức với các em không? Nó có giống như tuyển cầu thủ bóng đá nhưng yêu cầu phải giỏi cả bóng chuyền, cầu lông, bơi lội.
Việc gạt bỏ cơ hội của trẻ có năng khiếu đơn môn, sở thích đơn môn sẽ khiến các em đó khó có thể được bồi dưỡng chuyên sâu. Xa hơn, nước nhà cũng bớt đi số lượng các chuyên gia hàng đầu trong những lĩnh vực cụ thể Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng những nhà làm giáo dục sớm có giải pháp hợp lý để khắc phục được những hạn chế của sách giáo khoa mới, để việc dạy và học tích hợp không làm giảm đi cơ hội phát triển của những nhân tài quốc gia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.