Theo TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, rượu bia, với thành phần chính là ethanol, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất có độc tính cao. Acetaldehyde gây stress oxy hóa, từ đó tổn thương màng tế bào, DNA và các bào quan trong tế bào, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có hệ sinh dục nam.
Ức chế trục não bộ - tuyến yên - tinh hoàn
Hệ trục não bộ - tuyến yên - tinh hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nội tiết tố nam, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh tinh.
Não bộ tiết ra hormone GnRH kích thích tuyến yên sản xuất hai hormone quan trọng là FSH và LH. FSH tác động lên các tế bào Sertoli trong ống sinh tinh, có chức năng nuôi dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của tinh trùng. LH kích thích các tế bào Leydig sản xuất testosterone - hormone chi phối quá trình sinh tinh, quyết định sự phát triển và chín của tinh trùng, đồng thời duy trì ham muốn tình dục.
Ethanol trong rượu bia can thiệp vào quá trình này, ức chế sự hoạt động của trục não bộ - tuyến yên - tinh hoàn, làm giảm sản xuất FSH và LH, dẫn đến giảm nồng độ testosterone, gây suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương và ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Gây tổn thương tinh trùng
Acetaldehyde từ rượu bia gây stress oxy hóa, tấn công và gây tổn thương màng tế bào, DNA và các bào quan trong tế bào tinh trùng. Điều này ảnh hưởng đến hình dạng, kích thước, khả năng di chuyển và thụ tinh của tinh trùng, làm tăng tỷ lệ tinh trùng bất thường, gây khó khăn cho việc thụ thai.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nam giới uống rượu bia thường xuyên có xu hướng có số lượng tinh trùng thấp hơn, tỷ lệ tinh trùng di động kém và tinh trùng bất thường cao hơn. Tiêu thụ rượu bia thường xuyên, ngay cả với lượng vừa phải, cũng có thể gây giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
![Lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản nam giới. Ảnh: Pexels](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/08/pexels-gustavo-fring-6816898-1-1970-4313-1738983924.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u_0dXQGt3aAd6dpvYkEDVg)
Lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản nam giới. Ảnh: Pexels
Rối loạn chức năng cương dương
Rượu bia ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, gây khó khăn trong việc đạt được và duy trì sự cương cứng. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp... - những yếu tố nguy cơ của rối loạn cương dương.
Chức năng gan
Gan là cơ quan chủ chốt trong việc chuyển hóa rượu bia. Uống nhiều rượu bia gây quá tải cho gan, dẫn đến tổn thương gan, xơ gan, suy giảm chức năng gan.
Gan cũng có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các protein vận chuyển hormone sinh dục. Khi chức năng gan bị suy giảm, quá trình này bị ảnh hưởng, gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Hiểu rõ tác hại của rượu bia, nam giới cần chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản, nâng cao khả năng thụ thai bằng những biện pháp sau:
- Hạn chế tiêu thụ rượu bia: Cách tốt nhất để bảo vệ khả năng sinh sản là hạn chế tối đa việc uống rượu bia. Nếu không thể cai rượu bia hoàn toàn, hãy cố gắng giảm lượng tiêu thụ xuống mức thấp nhất có thể. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày (tương đương với khoảng 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang).
- Xây dựng lối sống lành mạnh:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe sinh sản như kẽm (có nhiều trong hàu, thịt bò, các loại hạt), selen (có nhiều trong cá, hải sản), vitamin C (có nhiều trong cam, chanh, bưởi), vitamin E (có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt)...
- Vận động thể lực thường xuyên: Vận động giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện lưu thông máu, giảm stress, tăng sản xuất testosterone. Nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội...
- Nghỉ ngơi hợp lý: Đảm bảo ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày), giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng và điều hòa hormone.
- Kiểm soát stress: Stress là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản. Hãy tìm cách giải tỏa stress bằng các phương pháp như thiền, yoga, nghe nhạc, đọc sách, giao tiếp với bạn bè, người thân...
- Khám sức khỏe sinh sản định kỳ: Việc khám sức khỏe sinh sản định kỳ giúp phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe sinh sản, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. Nam giới nên khám sức khỏe sinh sản ít nhất 1 lần/năm, hoặc thường xuyên hơn nếu có các dấu hiệu bất thường hoặc có tiền sử bệnh lý về sinh sản.
Mỹ Ý