Rất nhiều lần tới quán nhậu với bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy hầu như quán nào trong nhà vệ sinh cũng có bồn ói. Như lời của một nhân viên quán nói với tôi "khách say quá thì có thể ói ở đây cho nhẹ người, rồi ra uống tiếp".
Câu nói tưởng chừng hài hước ấy khiến tôi ái ngại và trăn trở nhiều hơn là cười. Tại sao lại phải nhậu tới mức ói ra, rồi lại tiếp tục uống? Tại sao văn hóa nhậu của một bộ phận người Việt lại trượt dài đến mức bồn ói trở thành một phần trong dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Nhìn lại thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông còn nguyên bộ đồ công sở, sơ vin gọn gàng, tan làm là ghé quán nhậu. Họ uống rất nhiều, đến mức phải vào nhà vệ sinh để ói, rồi quay lại bàn, nâng ly tiếp như chưa có chuyện gì.
Tại sao người ta lại phải nhậu đến mức đó? Nhiều người viện cớ "ép xã giao", "phải giữ thể diện", hay đơn giản là vì "vui quá đà". Nhưng ẩn sâu trong những lý do tưởng chừng cá nhân ấy là một "văn hóa nhậu" đã ăn sâu vào nhiều ngành nghề, đặc biệt trong môi trường công sở, kinh doanh.
Nhậu không đơn thuần là uống, mà là một cách thiết lập mối quan hệ, để đối tác đo lường sự thân thiện. Trong cái guồng quay vô hình đó, việc từ chối rượu bia bị xem là bất lịch sự, là thiếu máu lửa, là "không nhiệt tình". Và kết quả là nhiều người uống không còn vì niềm vui, mà vì bắt buộc, vì áp lực, vì sợ bị đánh giá.
Sự xuất hiện của bồn ói trong quán nhậu chính là hình ảnh thu nhỏ cho thấy một phần chúng ta đang chọn cách chấp nhận hậu quả thay vì ngăn chặn nguyên nhân.
Đồng thời, cái bồn ói, tưởng chừng để phục vụ những người bụng yếu... nhưng với những gì đang diễn ra trên thực thế, nó đã hai lần đánh gục những bợm nhậu:
Lần thứ nhất, không dám quyết đoán những lời thúc ép bia rượu. Lần thứ hai là không biết dừng đúng lúc.
Thay vì khuyến khích uống có chừng mực, thì lại phục vụ cả giải pháp xử lý cho những ai uống quá đà. Bồn ói không chỉ phản ánh nhu cầu, mà còn là một sự thỏa hiệp với kiểu vui chơi không kiểm soát.
Quang Dũng