BS.CKI Lê Đức Thắng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết như trên, thêm rằng polyp tử cung là khối u lành tính, hình thành khi lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức, phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tiền mãn kinh. "Đây là nguyên nhân chiếm khoảng 15-35% trường hợp vô sinh hiếm muộn", bác sĩ Thắng cho hay. Tại IVF Tâm Anh, khoảng 20% bệnh nhân nữ điều trị bệnh lý này.
Polyp tử cung có thể cản trở sự di chuyển của tinh trùng, làm biến dạng buồng tử cung, gây khó khăn cho phôi làm tổ và phát triển. Polyp kích thước lớn, khi có thai, chúng sẽ chiếm chỗ trong tử cung nên có thể gây sảy thai, sinh non. Một số loại polyp, nhất là polyp nằm ở cổ tử cung có thể làm tăng tiết dịch âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có hại phát triển. Từ đó gây các bệnh phụ khoa như viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung... ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Nếu không can thiệp, chúng cũng có thể là nguyên nhân chuyển phôi thất bại khi điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Tuy nhiên, polyp tử cung có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc triệu chứng phổ biến nhất là chu kỳ kinh nguyệt không đều. Polyp kích thước nhỏ khó phát hiện qua khám thông thường mà phải nội soi buồng tử cung phối hợp giải phẫu bệnh học. Do đó nhiều phụ nữ vô sinh lâu năm mà không xác định được bệnh.
Như chị Trà, 32 tuổi, kết hôn 6 năm chưa có con, bác sĩ IVF Tâm Anh nội soi phát hiện polyp dày đặc lấp kín cổ tử cung. Tương tự, chị Thảo, 35 tuổi, vô sinh suốt 7 năm mới phát hiện có một số polyp trong lòng tử cung, kích thước lớn nhất 3x5 mm, kèm rối loạn tăng sinh niêm mạc tử cung.

Bác sĩ Thắng đang tư vấn cho một người bệnh. Ảnh minh họa: IVF Tâm Anh
Theo bác sĩ Thắng, phẫu thuật cắt bỏ polyp giúp người bệnh tăng khả năng có thai, vừa điều trị hoặc cải thiện triệu chứng kinh nguyệt không đều, chảy máu sau giao hợp, ngăn một số biến chứng như viêm nhiễm phụ khoa, nguy cơ hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư, sảy thai hoặc sinh non. Tỷ lệ tái phát khoảng 15%, không đảm bảo có thai tự nhiên sau can thiệp. Khả năng mang thai tăng 30% nếu thụ tinh nhân tạo (IUI) và 65% nếu thụ tinh ống nghiệm.
Vợ chồng chị Trà quyết định điều trị polyp tử cung và IVF. Chị được kích thích buồng trứng, chọc hút trứng và tạo được 3 phôi để trữ đông. Bác sĩ phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt polyp, lấy mô xét nghiệm, ghi nhận viêm nội mạc tử cung mạn tính. Sau hai tháng điều trị kháng sinh, chị được dùng thuốc chuẩn bị nội mạc tử cung theo phác đồ cá thể hóa. Bác sĩ chuyển phôi vào tử cung lần thứ hai chị mới đậu thai. Sau nhiều lần nhập viện vì dọa sảy thai, sinh non, chị sinh mổ đón con trai khỏe mạnh nặng 3,1 kg ở tuần thứ 40.
Chị Thảo cũng được mổ cắt polyp tử cung lành tính, sau đó kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hai lần nhưng không đậu thai. Vợ chồng chuyển sang IVF, nuôi cấy được 9 phôi tốt. Sau khi chuẩn bị niêm mạc đủ điều kiện, bác sĩ chuyển một phôi vào tử cung đậu thai. Chị Thảo chuyển dạ sớm ở tuần 30, sinh non bé gái nặng 1,2 kg, được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại khoa Sơ sinh. Sau hơn một tháng, bé xuất viện, nặng 2,3 kg.

Mẹ con chị Thảo gặp lại bác sĩ Thắng trong sự kiện Ngày hội Bầu vàng do IVF Tâm Anh tổ chức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng của nữ giới, nơi nuôi dưỡng và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi trong suốt thai kỳ cho đến khi bé chào đời. Bộ phận này dễ bị tổn thương gây giảm khả năng sinh sản.
Phụ nữ kinh nguyệt không đều, đặc biệt là người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì có khả năng mắc polyp tử cung cao hơn, do nồng độ hormone estrogen tăng cao. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng điều trị vô sinh, nồng độ estrogen tăng cao có thể đẩy nhanh sự phát triển của nội mạc tử cung, từ đó làm polyp nội mạc tử cung hình thành hoặc phát triển lớn hơn.
Ngoài polyp tử cung, dị dạng buồng tử cung, u lạc nội mạc, dính buồng tử cung, viêm nội mạc, nội mạc bị thiểu dưỡng... là những bất thường tử cung thường gặp. Bác sĩ Thắng khuyến cáo nhiều bệnh lý tử cung không có biểu hiện rõ ràng, diễn tiến âm thầm, khó phát hiện. Vì vậy phụ nữ khi kết hôn một năm chưa có thai (6 tháng với trường hợp ngoài 35 tuổi) nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị, giúp sớm có con.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |