BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc cúm. Hiện các tỉnh phía Bắc nước ta đón đợt không khí lạnh tăng cường, kèm mưa, gió rét, thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan mạnh hơn. Bác sĩ Cầm khuyến cáo các cách phòng cúm dưới đây:
Không coi nhẹ bệnh cúm
Theo bác sĩ Cầm, cúm mùa thường gây các biểu hiện ho, sốt, đau đầu, nhức mỏi người và tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, virus có thể xâm lấn và gây ra biến chứng ở nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, thai phụ, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, béo phì.
Ở người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, sinh hoạt ở môi trường thời tiết lạnh và không khí ô nhiễm khiến đường thở bị thu hẹp, co thắt, suy yếu khả năng đào thải dịch tiết. Triệu chứng cúm kéo dài hơn.
Khi nhiễm cúm, người bệnh sẽ mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng. Việc này dẫn tới hệ miễn dịch bị suy giảm, tạo điều kiện cho virus cúm nhân lên, tăng nguy cơ bệnh kéo dài, trở nặng.
Hệ miễn dịch và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương do cúm cũng mở đường cho các loại virus, vi khuẩn khác tấn công, như phế cầu hoặc tụ cầu, dễ làm tăng thêm tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho người mắc. Người có bệnh nền mắc cúm dễ làm tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
![Người dân sinh hoạt trong thời tiết rét lạnh. Ảnh: Ngọc Thành](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/khong-khi-lanh-tai-mien-bac-17-1269-9225-1739258737.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6sk-KeyD0w7IuIbLNNZ08g)
Người dân sinh hoạt trong thời tiết rét lạnh. Ảnh: Ngọc Thành
Theo dõi triệu chứng trở nặng
Theo bác sĩ Cầm, các triệu chứng trở nặng gồm: sốt cao liên tục từ 39 độ C, khó thở, thở nhanh, nhịp thở bất thường, choáng váng, đau cơ và đau ngực dữ dội, tím môi và đầu chi, tay chân lạnh, li bì, nôn nhiều... Lúc này, virus cúm đã nhân lên ồ ạt, dễ gây bội nhiễm các loại vi khuẩn và tấn công đa cơ quan. Vì vậy người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị.
Đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nền, khi mắc cúm, dùng thuốc kháng virus hiệu quả nhất trong 48 tiếng kể từ khi khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc này cần được kê toa, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên lạm dụng. Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân cần đi khám sớm để bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp.
Không nên tự ý dùng thuốc
Nhiều người cho rằng cúm là bệnh thông thường. Khi bị bệnh, họ tự chữa theo mẹo dân gian, hoặc mua thuốc, uống thuốc theo đơn cũ, nghe theo lời mách bảo. Việc lạm dụng thuốc ở những bệnh nhân nhiễm virus cúm dễ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, giảm khả năng đề kháng, đồng thời khiến virus cúm nhân lên, tấn công gây suy đa tạng.
![Người già tiêm vaccine cúm tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/nguoi-lon-tiem-vac-xin-cum-tai-2359-2538-1739258737.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=is6jWNL0DJ5JBDP2giAtVw)
Người già tiêm vaccine cúm tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần
Tiêm vaccine cúm dù mới khỏi bệnh
Theo bác sĩ Cầm, tiêm vaccine là cách phòng mắc bệnh, giảm nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đây là các chủng virus cúm đang lưu hành gây nhiều ca mắc hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng, nếu chưa từng chủng ngừa cúm và cần nhắc lại một mũi hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Bác sĩ Cầm khuyến cáo, một người vừa khỏi bệnh có thể tiếp tục mắc cúm. Lý do virus cúm có nhiều chủng, biến đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục. Một người nhiễm chủng virus cúm này vừa khỏi, có thể nhiễm chủng virus cúm khác. Công thức sản xuất vaccine cúm được cập nhật hàng năm để phù hợp với các chủng virus cúm đang lưu hành. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân nên tiêm vaccine cúm hằng năm.
Ngoài tiêm vaccine, người dân nên mặc ấm, hạn chế sinh hoạt trong thời tiết lạnh, đặc biệt vào các khung giờ sáng sớm và tối muộn; đeo khẩu trang khi ra đường, giữ ấm đầu, mặt, cổ để bảo vệ đường hô hấp, hạn chế nhiễm cúm.
Mọi người nên tập thể dục tại nhà, kết hợp dinh dưỡng cân bằng và sinh hoạt khoa học để tăng sức khỏe tổng thể và sức đề kháng. Trường hợp có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi, người dân cần khám sớm để được điều trị sớm. Mọi người không tự dùng thuốc, kiêng khem quá mức khiến bệnh trở nặng, điều trị khó khăn.
Diệu Thuần