Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, chia làm ba loại gây bệnh ở người gồm cúm A, B, C. Loại A và B có thể làm bùng phát dịch cúm, loại C cũng gây triệu chứng cảm cúm nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tại Việt Nam, virus cúm thường gặp là A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B.
Triệu chứng cúm điển hình là sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, khớp, mệt mỏi, chóng mặt, ho, đau họng... Thông thường, người bệnh có thể hồi phục trong 1-2 tuần, song một số trường hợp có thể gặp biến chứng nặng, tổn thương phổi, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim... Thai phụ thuộc nhóm người có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi mắc cúm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, dị tật thai bẩm sinh.
Theo ThS.BS Trần Ngọc Vân Anh, khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8 (IVF Tâm Anh Quận 8), phòng ngừa bệnh cúm trước khi chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng, đảm bảo tỷ lệ thành công, an toàn cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh.
Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, chú ý vệ sinh
Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt chứa mầm bệnh. Do đó, vợ chồng đang điều trị IVF nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Thường xuyên vệ sinh tay bằng dung dịch khử khuẩn, rửa tay bằng xà phòng và nước. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vệ sinh mũi họng. Vệ sinh nơi ở, vật dụng trong gia đình sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh, giữ không gian sống thoáng mát.
![Bác sĩ Vân Anh tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh minh họa: Hoài Thương](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/Hinh-dung-1739436088-2645-1739436256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8JWRcgJndOYSGnHHOVMv6Q)
Bác sĩ Vân Anh tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh minh họa: Hoài Thương
Tiêm vaccine
Phụ nữ nên tiêm vaccine cúm trước chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm hai tuần để cơ thể có đủ kháng thể chống lại sự xâm nhập, tấn công của virus. Phụ nữ đang mang thai vẫn có thể tiêm vaccine cúm ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ để tăng cường đề kháng cho bản thân và thai nhi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm phòng cúm giúp giảm 60% bệnh tật liên quan đến bệnh này, giảm tỷ lệ tử vong khoảng 70-80%. Vaccine còn giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm, nhất là khi dịch bệnh bùng phát. Vaccine cúm có hiệu lực bảo vệ kéo dài khoảng 6-12 tháng. Các chủng virus cúm biến đổi từng năm, do đó vợ chồng nên tiêm mũi nhắc lại hàng năm.
Dinh dưỡng đủ chất và vận động khoa học
Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đảm bảo các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp phụ nữ tăng đề kháng phòng cúm, cải thiện sức khỏe tổng thể và tinh thần, ổn định tâm lý, tăng tỷ lệ đậu thai sau chuyển phôi. Những thực phẩm nên bổ sung là trái cây giàu vitamin C và A, rau củ nhiều chất xơ và các vitamin, các loại thịt chứa nhiều protein, thủy hải sản, trứng, sữa, các loại hạt và ngũ cốc.
Các loại dầu ôliu và dầu thực vật hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm dễ dàng hơn đồng thời giúp thai kỳ khỏe mạnh. Phụ nữ uống đủ nước để tăng cường chuyển hóa trao đổi chất trong cơ thể, nâng cao đề kháng. Duy trì vận động nhẹ nhàng cũng tốt cho sức khỏe, tránh căng thẳng, cải thiện tỷ lệ chuyển phôi thành công.
Tùy từng trường hợp, phụ nữ mắc bệnh cúm trong quá trình điều trị IVF có thể cần hoãn chuyển phôi, nghỉ ngơi, chờ đến khi sức khỏe hồi phục sẽ tiếp tục theo chỉ định của bác sĩ.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |