Thanh Huyền -
Phế đô, cùng với hai tiểu thuyết khác của Giả Bình Ao - Phù táo và Tần Xoang - tạo thành bộ ba ấn hành đầu tháng 8. 3 cuốn sách lặng lẽ đi từ nhà xuất bản tới các hiệu sách, không có bất cứ hành động giới thiệu hay quảng bá nào.
![]() |
Bản in "Phế đô" năm 1993 (trái) và năm 2009. |
Cuối 2003 - một thập kỷ sau khi bị cấm - nhiều nguồn tin rò rỉ rằng ấn bản mới của Phế đô sắp sửa được ra mắt. Tờ Southern Metropolis Daily còn in cả lời nói đầu của Giả Bình Ao, trong đó ông bày tỏ phản ứng của mình trước các luồng thông tin. Nhưng ấn bản mới ấy không bao giờ xuất hiện trên các giá sách, có lẽ, phần nào e ngại sự tấn công ồ ạt của các phương tiện truyền thông. Đầu năm 2004, tạp chí Oriental Outlook dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết: "Lệnh cấm đối với Phế đô chưa được dỡ bỏ. Thông tin cho rằng, cuốn sách sẽ được tái bản vào năm 2004 đều không xác thực". Còn Yin Aiping, trưởng phòng quản lý xuất bản thuộc Cục Xuất bản, Báo chí Bắc Kinh - nơi ban hành lệnh cấm năm 1993 - cho biết: "Tôi nghĩ, tin Phế đô không còn bị cấm, là do các nhà làm sách tung ra. Sau nhiều năm, mọi chuyện đã tạm lắng xuống, họ lại xới lên để tạo cơn sốt mới. Họ nghĩ, họ sắp đường đường chính chính ra được sách".
![]() |
Nhà văn Giả Bình Ao. |
Lúc bấy giờ, nhà phê bình Tạ Hữu Thuận cho rằng, khả năng có thể tái bản Phế đô là một dấu hiệu cho thấy, thời đại đã thay đổi, Trung Quốc không còn coi tình dục là đề tài cấm kỵ. Trong một cuộc trò chuyện với tác giả, Tạ Hữu Thuận từng đặt câu hỏi: "Tình dục là nguyên nhân chính làm nổ ra cuộc tranh cãi quanh cuốn Phế đô. Một lý do khác là cách ông dùng những ô vuông để trống rồi chú thích dòng chữ "Tác giả cắt bỏ ngần này chữ". Sau hơn 10 năm, liệu ông có thể nói thật, những chữ đó thực sự bị ông cắt bỏ, hay là một chiến thuật câu khách của nhà xuất bản chứ chúng chưa bao giờ được viết ra?".
Nhà văn trả lời: "Tôi viết về tình dục. Tại sao lại là tình dục? Bởi nhân vật yêu cầu như thế. Ví dụ, để Trang Chi Điệp giải phóng được bản thân mình, anh ta phải tìm đến phụ nữ. Tôi viết tất cả những gì có thể diễn ra trong một ngày của đời sống con người, tất nhiên không thể tránh những hoạt động diễn ra vào ban đêm"...
Tuy nhiên, đến bây giờ, thời đại mới thực sự thay đổi. Giả Bình Ao được đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất Trung Quốc hiện tại. Năm 2008, ông đoạt giải Mao Thuẫn - giải văn học uy tín của Trung Quốc với tiểu thuyết Tần Xoang. Trong tiểu sử giới thiệu về tác giả, người ta không đề cập gì đến những chuyện liên quan đến việc cấm đoán, chỉ liệt kê những giải thưởng trong và ngoài nước mà ông từng giành được.
(Nguồn: Chinadaily)