"Từ khi có con, vợ tôi chỉ lo loay hoay mỗi ngày với việc chăm lo con cái nên không làm thêm gì được. Vậy là toàn bộ gánh nặng chi tiêu trong nhà hoàn toàn phụ thuộc vào một mình thu nhập của tôi. Lương tháng trung bình của tôi là khoảng 50 triệu đồng - mức thu nhập không hề thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Thế nhưng, việc đảm bảo cho con có một cuộc sống đầy đủ với tôi vẫn thật sự chới với. Có thể nói, sinh và nuôi nấng một đứa trẻ bây giờ thật sự không hề đơn giản một chút nào".
Ở Việt Nam hiện nay, 33 tỉnh, thành có mức sinh cao (trên 2,2 con). 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp (dưới hai con). Một số nơi mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. TP HCM có mức sinh thấp nhất nước, chỉ 1,24 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ. Mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, khiến chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế...
Hệ lụy lâu dài là vậy, nhưng khuyến khích người dân sinh đủ hai con không phải là điều đơn giản vì nhiều yếu tố. Trong đó, bao trùm tất cả là nỗi lo kinh tế. Bao nhiêu khoản tiền phát sinh để nuôi dạy một đứa trẻ là điều khó có thể kể hết. Chưa kể những rủi ro mất việc làm ở môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt cũng càng làm nhiều gia đình e dè trước quyết định sinh con.
>> Bài toán 'người trẻ lười đẻ con'
Thấm thía những gánh nặng kinh tế khi sinh con, bạn đọc Nhadonha nhấn mạnh: "Tôi thuộc thế hệ đầu 9X. Gia đình tôi đã có một con trai gần 5 tuổi và hiện giờ bản thân tôi không muốn đẻ thêm con nữa. Lý do là bởi vợ chồng tôi còn đang phải đi thuê trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Công việc của vợ vốn phải đi sớm về khuya, tôi may mắn hơn những người khác khi có thể làm việc kiếm tiền ở nhà, nên mới có nhiều thời gian lo cho con, nhất là những khi con ốm đau, bệnh tật. Ít nhất tôi còn có thể cho con đi viện, bỏ nhiều thời gian chăm con mà không phải xin nghỉ phép".
Ngăn chặn tình trạng mức sinh giảm thấp từ lâu đã được Chính phủ xem là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Mới đây nhất, dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế tham mưu xây dựng, cũng đề xuất khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe.
Bên cạnh đó, dự thảo còn đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tỉnh, thành có mức sinh thấp rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít mà khuyến khích, tạo điều kiện sinh đủ hai con. Câu hỏi đặt ra là những chính sách đó đã đủ hấp dẫn để người dân có động lực và niềm tin sinh thêm con hay chưa? Cần bổ sung thêm những gì để sinh con không còn là áp lực và gánh nặng với mỗi gia đình?
Đây là bài toán đặt ra cho nhà chức trách để hoạch định tương lai dân số và nguồn nhân lực. Chính sách đó cần được thực thi ngay từ bây giờ. Độc giả Nhadonha lo âu: "Thử hỏi, nếu tôi cũng làm công nhân hay những công việc phải đi tối ngày nữa, thì con tôi đẻ ra cho ai chăm? Một đứa đã vậy, huống hồ là hai đứa. Hay chúng tôi lại phải gửi về quê cho ông bà nội, ngoại chăm hộ, rồi hàng tháng gửi tiền về? Chưa kể, con cái tôi lớn lên thì sao? Khi mà tư tưởng và cách nuôi dạy con trẻ của tôi và thế hệ cha mẹ ngày trước là rất khác nhau, ai sẽ đảm bảo con tôi sẽ phát triển theo đúng những gì chúng tôi mong muốn?
Cho nên, dù ai nói gì thì nói, hệ lụy cho xã hội lớn thế nào thì tôi vẫn không có nhu cầu đẻ thêm con. Xét cho cùng, cuộc đời tôi đâu có ai sống hộ được, sướng hay khổ cuối cùng vẫn là tôi gánh chịu hết".
Lê Phạm tổng hợp