Các em du học sinh này nói rằng mỗi lần nghe tin như vậy thấy xấu hổ ghê: "Người mình đi ra nước ngoài cứ làm điều này điều kia làm xấu mặt cộng đồng người Việt, làm người Đài họ nghĩ xấu về người Việt".
Tôi mỉm cười và nói: "Với những người nghĩ xấu về người Việt, không cần quan tâm. Những người đó trong suy nghĩ của chị là những người có góc nhìn hạn chế, phiến diện, chỉ nhìn thấy một vài trường hợp mà quy chụp cho cả một cộng đồng.
Những người hiểu biết sẽ không nhìn một vài trường hợp hoặc một nhóm người nào đó, mà đánh giá cả một cộng đồng người lớn hơn. Ở đâu cũng có người này người kia. Người Việt có người tốt người xấu, người Đài cũng vậy.
Những người vội vàng quy chụp sẽ tự giới hạn khả năng khám phá và cơ hội của chính mình. Họ sẽ tự đánh mất đi khả năng nhìn thấy nhiều khía cạnh và điều tốt đẹp khác từ những người, những sự vật xung quanh.
Người Việt ra nước ngoài thường hay tự ti. Một ngày trên tin tức sẽ có biết bao chuyện, người bản xứ cũng phạm pháp, người nước ngoài từ các nước khác cũng phạm pháp. Nhưng là người Việt, nên ta sẽ chú ý đến những tin tức có liên quan đến người Việt, và ta tưởng là chỉ có người Việt mới làm điều xấu. Nhưng thực tế là người ở đâu cũng có người làm điều xấu.
Một điều nữa là não bộ vốn ưa thích những tin xấu. Có thể có rất nhiều tin tức tốt về người Việt ở nước ngoài, như người này người kia đạt được thành tựu, cộng đồng người Việt làm được điều này điều kia, nhưng những tin tức đó sẽ dễ dàng bị lướt qua.
Nhìn các em du học sinh, tôi hiểu tại sao lại có suy nghĩ như vậy. Các bạn du học sinh, thường là rất trẻ, đến một đất nước phát triển hơn để học tập, tiếp xúc với nhiều cái mới hơn, hiện đại hơn, có thể trong lòng sẽ mang theo tâm lý tự ti. Từ đó vừa tạo tâm lý e dè khi tiếp xúc với bên ngoài, vừa tạo tâm lý "kẻ ngoài cuộc", không muốn bị quy chụp chung nhóm với những thành phần xấu.
Tôi đi làm đã lâu, tiếp xúc và làm việc với nhiều người đến từ nhiều quốc gia, nên đương nhiên góc nhìn của tôi khác với các em. Tôi chỉ tiếc là, không phải ai cũng hiểu được rằng hành vi của mỗi cá nhân là trách nhiệm của chính người đó, không phản ánh bất kỳ một nhóm nào.
Nhóm người Việt có học thức ở nước ngoài (du học sinh, người làm công sở, người đầu tư, kinh doanh) cần nhìn vào nhóm các bạn đi xuất khẩu lao động với cái nhìn cởi mở hơn. Cần hiểu rằng không phải người lao động nào cũng xấu, cũng không biết cách cư xử, thì có thể cả - hai bên đã có thể giúp đỡ và hỗ trợ nhau nhiều hơn. Thêm yêu thương đùm bọc, cuộc sống này sẽ tốt hơn rất nhiều.
Huyen Dinh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.