Ung thư có liên quan đến các yếu tố di truyền, chuyển hóa, lối sống và môi trường. Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa. Trong khi một số loại thực phẩm dưới đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư, số khác lại có đặc tính phòng bệnh.
Thực phẩm nên ăn
Rau họ cải: Bắp cải, bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn và các loại rau họ cải khác hỗ trợ ngăn ngừa ung thư. Những loại rau này rất giàu glucosinolate, hợp chất phân hủy thành các phân tử có hoạt tính sinh học như sulforaphane, đặc tính chống ung thư mạnh. Sulforaphane hoạt động bằng cách trung hòa các chất gây ung thư và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA. Ăn rau họ cải thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, phổi, trực tràng và dạ dày.
Các loại hạt, nho khô và quả mọng: Hạnh nhân, nho khô, việt quất, dâu tây, mâm xôi chứa nhiều chất chống oxy hóa, nhất là vitamin, resveratrol, anthocyanin, axit ellagic... Chất chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do, chống lại stress oxy hóa, là tác nhân chính thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Ăn các loại hạt, nho khô và quả mọng thường xuyên hỗ trợ phòng ngừa ung thư miệng, thực quản và đại trực tràng.
Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá mòi và các loại cá béo khác rất giàu omega-3 và vitamin D. Hai chất dinh dưỡng này đều có tác dụng chống viêm, bảo vệ ung thư. Axit béo omega-3 ức chế tình trạng viêm gây ung thư. Vitamin D điều chỉnh sự phát triển và biệt hóa tế bào, góp phần ngăn sự tăng sinh bất thường của tế bào.
Thực phẩm giàu chất xơ: Các loại rau củ (cà rốt, củ dền), quả (xoài, ổi), ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, kiều mạch) rất giàu chất xơ, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư. Chất xơ thúc đẩy hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, phòng ung thư. Chúng cũng chứa các chất chống oxy hóa bảo vệ ung thư như selen và lignan.
Thực phẩm nên hạn chế
Thịt chế biến: Xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng và các loại thịt chế biến khác tiêu thụ quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư đáng kể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thịt chế biến là chất gây ung thư nhóm 1. Nguyên nhân là do chúng chứa nitrat, nitrit, HCA và PAH, nếu dùng lâu dài có liên quan đến ung thư đại tràng.
Các món nhiều đường: Ăn thực phẩm và dùng đồ uống nhiều đường thường xuyên dễ gây béo phì, là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại ung thư như vú, gan và tuyến tụy. Lượng insulin tăng đột biến do lượng đường nạp vào cao cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Hơn nữa, béo phì do lượng đường dư thừa dẫn đến viêm mạn tính - tác nhân gây ung thư phổ biến.
Thực phẩm chiên và cháy: Các loại thực phẩm chiên ngập dầu như khoai tây chiên, gà rán và cả thực phẩm nướng có viền đen đều chứa acrylamide, một loại hóa chất hình thành khi thực phẩm giàu tinh bột được nấu ở nhiệt độ cao. Acrylamide đã được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là chất có khả năng gây ung thư.
Rượu: Uống quá nhiều rượu là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư, bao gồm miệng, họng, thực quản, gan, vú và đại trực tràng. Rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde - hợp chất gây ung thư làm hỏng DNA và cản trở quá trình sửa chữa tế bào. Rượu cũng làm tăng nồng độ estrogen, có liên quan đến ung thư vú.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |