Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh toàn quốc ghi nhận hơn 30 ca bệnh viêm não Nhật Bản, gồm cả trẻ em và người lớn từ đầu năm. Trong số đó, có nhiều ca bệnh nặng, tổn thương não và gặp di chứng nặng nề.
Theo bác sĩ Chính, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm. Virus có khả năng gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, tấn công trực tiếp các tế bào não, gây ra phản ứng viêm tại màng não và mô não. Do đó, tỷ lệ tử vong và để lại di chứng rất cao. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Một bệnh nhân bị liệt hoàn toàn, phụ thuộc máy thở do mắc viêm não Nhật Bản. Ảnh: Khánh Hòa
Di chứng thường gặp nhất ở thần kinh, vận động. Người mắc có thể bị tổn thương não nặng dẫn tới ý thức không phục hồi, không thể tự ăn uống hoặc vận động, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Trẻ em mắc bệnh có thể bị chậm phát triển trí tuệ, nói, ngôn ngữ...
Điển hình, thanh niên 26 tuổi, ở An Giang, đã nằm viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM khoảng 2 năm, bị liệt hoàn toàn do viêm não Nhật Bản, phụ thuộc máy thở. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng suốt đời, không thể phục hồi. Tuy nhiên, gia đình không đủ khả năng tự trang bị máy thở tại nhà nên bệnh nhân chưa được xuất viện.
Trước đó, vào tháng 1, bé trai 8 tuổi, ở Nghệ An, cũng bị di chứng liệt hoàn toàn do viêm não Nhật Bản, phụ thuộc máy thở 7 tháng nhưng bệnh chưa cải thiện.
Ngoài di chứng ở thần kinh, vận động, viêm não Nhật Bản có thể để lại di chứng ở thị giác, thính giác. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%. Tại những bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân nặng, tỷ lệ di chứng có thể lên tới 70%.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua muỗi đốt. Nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản cao nhất là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.
Ở những quốc gia lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản, ca nhiễm phần lớn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Song, nguy cơ biến chứng nặng và bị di chứng ở trẻ em và người lớn tương đương nhau. Theo bác sĩ Chính, bệnh có xu hướng lây nhiễm ở nhóm trẻ lớn 9-15 tuổi và người lớn do chưa tiêm nhắc vaccine hoặc tiêm chủng không đủ số mũi.

Bé trai được phụ huynh đưa đi tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hoàng Dương
Để phòng viêm não Nhật Bản, bác sĩ khuyến cáo tránh muỗi đốt, ngủ trong màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng kem đuổi muỗi, phát quang bụi rậm quanh nhà, xây chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở, đổ bỏ nước thừa đọng tránh cho muỗi trú ngụ, sinh sản.
Nên tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm mới hoặc tiêm bổ sung các mũi còn thiếu. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em và người lớn, bao gồm: Jevax (Việt Nam) có trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, tiêm từ 12 tháng tuổi; Jeev (Ấn Độ) tiêm từ 12 tháng tuổi và Imojev (Thái Lan) tiêm từ 9 tháng tuổi chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ. Tùy vào lịch sử tiêm chủng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và lịch tiêm phù hợp.
Bác sĩ Chính lưu ý vaccine Jevax cần tiêm đủ ba mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc sau mỗi ba năm để bổ sung kháng thể phòng bệnh. Với vaccine Imojev, trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi chỉ cần một mũi cơ bản và một mũi nhắc cách nhau một năm (tổng cộng hai mũi). Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần một mũi.
Với vaccine Jeev, trẻ cần tiêm đủ hai mũi, mũi đầu tiêm khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi hai tiêm sau đó ít nhất một tháng. Vaccine được khuyến cáo tiêm nhắc khi có dịch hoặc chuẩn bị đi vào vùng dịch viêm não Nhật Bản. Người dân có thể chuyển đổi vaccine để phòng bệnh hiệu quả nếu lịch tiêm nhắc khó tuân thủ.
Hoàng Dương