Một mùa khai giảng nữa lại sắp đến, trước thềm năm học mới cùng với những sự kiện gần đây đã dấy lên cho tôi nhiều suy nghĩ. Thật sự mà nói thì bậc cha mẹ nào cũng muốn dành những thứ mà họ nghĩ là tốt nhất cho con.
Điều đó có thể quan sát thấy qua việc 700 phụ huynh ở Hà Nội bốc thăm để giành suất vào học trường mầm non cho con vừa qua, hay việc cổng trường Phổ Thông Cơ Sở Thực nghiệm (Hà Nội) bị đạp đổ khi các vị phụ huynh chen nhau mua hồ sơ thi vào lớp 1 hồi năm 2012.
Bảy năm trước, khi đến thăm cô giáo cũ thời tiểu học, tôi được nghe cô kể về việc học hành của các bạn học sinh thời nay. Ấn tượng nhất với tôi hôm ấy là việc một bạn học sinh lớp 5 đã được cha mẹ cho theo học các lò luyện thi vào trường chuyên.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào cuối lớp 9 này, nhiều bạn nhỏ đã học tập miệt mài, ôn luyện ngày đêm, chạy sô với các ca học kín cả ngày trong nhiều năm trời như bé lớp 5 trong câu chuyện mà cô tôi kể.
>> Tâm lý 'không đi học thêm sẽ bị trù dập'
Lượng bài tập và bí kíp làm bài thi mà các bé nhận được nhiều vô số kể. Hình ảnh những em bé với chiếc cặp siêu to khổng lồ cùng chiếc kính dày cộp không còn xa lạ ở các trường học.
Việc học thêm không chỉ phổ biến ở các bạn thi chuyên, mà từ khi các bé chưa bước chân vào lớp 1 cho tới các kỳ thi lớp 10 phổ thông hay kỳ thi đại học... học thêm trở thành chuyện thường ngày ở huyện, với tâm lý thường thấy của phụ huynh là không học sợ con cái thua thiệt bạn bè...
Học thêm để nâng cao trình độ, khám phá, hiểu sâu hơn kiến thức vốn không phải là điều xấu. Tuy nhiên, việc học thêm thái quá, nhồi nhét, theo hướng học gạo với các bí kíp làm bài thi, mẹo mực, cốt để điểm cao, thi đỗ hay việc dạy trước bài của chương trình khiến cho việc học thêm vừa tốn kém tiền bạc, thời gian, ảnh hưởng sức khoẻ, vừa không đưa lại sự tiến bộ thực sự cho người học.
Quá trình học tập cũng giống như quá trình tiêu hoá, cần có thời gian để học sinh hấp thụ kiến thức, bên cạnh đó, trẻ cần được tham gia các hoạt động khác như thể dục thể thao, văn hoá, nghệ thuật... Chính những điều ấy sẽ giúp các em phát triển toàn diện.
Việc thi gì học nấy cũng phổ biến trong tâm lý của học sinh Việt Nam. Như việc năng lực Toán học của các sinh viên được nhiều giảng viên đánh giá là suy giảm từ lúc áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm.
>> 'So sánh trường tư không dạy thêm với trường công là phiến diện'
Các trường phổ thông thường được đánh giá bởi các mục tiêu ngắn hạn như tỷ lệ đậu đại học, điểm thi tốt nghiệp hay giải học sinh giỏi các cấp khiến cho việc dạy và học chăm chăm vào đó. Rất ít trường có các thống kê về những mục tiêu có tính dài hạn như ngành nghề, sư nghiệp, mức đóng góp cho cộng đồng, xã hội của các cựu học sinh.
Việc hướng nghiệp ở các trường cũng chưa tốt, trong nhiều trường hợp, các em học sinh và phụ huynh chưa có những hiểu biết đúng đắn về các ngành ở bậc đại học, lựa chọn còn theo xu thế, nhiều lúc để bằng bạn bằng bè, khiến việc ra trường làm trái ngành nghề còn phổ biến.
Việc học thêm ngoại ngữ cũng nhận được nhiều quan tâm, đầu tư của các bậc phụ huynh. Song nhiều lúc việc học thêm còn nặng về ngữ pháp, kỹ năng đọc, là nhứng thứ để đáp ứng kỳ thi, nên trình độ ngoại ngữ của học sinh còn thấp, phán ánh qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh, hay kỹ năng nghe nói của các em.
Để cái thiện được tình hình, cần có những giải pháp để giúp cho việc học đi đúng hướng, gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Các bậc cha mẹ cần lắng nghe và tôn trọng con cái, để biết điều gì là phù hợp với con của mình, được các con yêu thích và có năng khiếu.
Từ năng lực ngoại ngữ đến Toán học..., cần được rèn luyện đúng mức độ, phù hợp với năng lực người học. Phổ biến công tác hướng nghiệp ngay từ năm lớp 10, để học sinh và cha mẹ có định hướng, chọn lựa phù hợp để đóng góp tốt cho cộng đồng, xã hội.
Thùy Khanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.