"Tôi chưa bao giờ đi ăn ở đâu mà có quá nhiều sự lựa chọn như thế này", anh Nguyễn Thành Trung, 43 tuổi ở TP HCM, chia sẻ cảm giác choáng ngợp khi được phục vụ thực đơn "khổng lồ" tại nhà hàng 03 Trần Phú. Nhà hàng thuộc Nhà khách Thắng Lợi là điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách tại Quy Nhơn, với hơn 300 món từ dân dã miền quê đến đặc sản biển.
Gần đây, thực đơn phong phú và chất lượng ổn định đã giúp nơi này trở thành hiện tượng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm rồi chia sẻ trên mạng xã hội, trong khi khách lớn tuổi chọn đây làm nơi gặp gỡ bạn bè, tìm lại hương vị xưa cũ.
"Chúng tôi muốn nhà hàng là nơi khách có thể ghé nhiều lần không chán và mỗi tháng đều có món mới để đổi vị", anh Nguyễn Hữu Huy, 40 tuổi, Giám đốc Nhà khách Thắng Lợi, nói.
Theo anh Huy, thực đơn liên tục được cập nhật, mỗi tháng quán bổ sung khoảng 10 món mới. Để thực hiện được điều này đòi hỏi đội ngũ đầu bếp luôn phải sáng tạo và giữ "cái đầu mở". Tổ chức họp giữa quản lý và các đầu bếp nhằm thảo luận ý tưởng món mới đã trở thành "luật bất thành văn" ở đây.
Nhờ đó, lượng khách trung bình của nhà hàng mỗi ngày luôn ở mức 2.000 người, vào dịp lễ, con số có thể lên đến hơn 3.000. Trực thuộc Nhà khách Thắng Lợi - đơn vị nhà nước với nhiều hạn chế về cơ sở vật chất nhưng áp lực cạnh tranh với các cơ sở tư nhân đã khiến ban quản lý không ngừng cải tiến dịch vụ.
Anh Huy cho biết khi tiếp quản nhà hàng 9 năm trước, mọi thứ đều cũ kỹ và thiếu thốn. Thực đơn khi đó chỉ khoảng 40 món nhưng nhiều đồ ăn khách gọi lại không có hoặc hết hàng. Nhà hàng không thể trông chờ bao cấp mà bắt đầu đổi mới từ nhân sự rồi đến thực đơn. "Chúng tôi không chỉ cần nấu ngon mà phải nấu được nhiều món để khách quay lại nhiều lần", anh Huy nhớ lại.
Từ con số 40, thực đơn được nâng lên 100, rồi 200 và hiện nay là hơn 300 món. Theo anh Huy, nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định sự thành công của nhà hàng. "Chúng tôi chấp nhận mua nguyên liệu giá cao để lúc nào khách cũng có món yêu cầu. Phải chiều khách thì mới giữ chân họ được lâu", anh nói.
Quản lý nhà hàng đưa nhiều món có nguyên liệu là đặc sản Bình Định vào thực đơn, xử lý tỉ mỉ, đúng kiểu "nhà quê". Món cá chình um chuối đậu hoặc nướng muối ớt chọn chình ở đầm Châu Trúc hay củ mì (sắn) hầm xương phải sử dụng mì trồng ở Phù Mỹ, cá nướng An Lão phải ăn kèm rau rừng có tại địa phương.
Một món ăn đặc biệt khác là bột mì nhứt - thứ khiến không ít thực khách lớn tuổi bồi hồi. Bột mì nhứt gắn liền với ký ức thời chiến và những năm tháng khó khăn của một thế hệ. Bột được khuấy chín, chấm với mắm ớt dằm hoặc mắm nêm, hoặc áp chảo ăn cùng cá lóc nướng. "Nhiều vị khách xúc động khi ăn lại món này vì nhớ quê, nhớ mẹ, và cả một thời tuổi thơ đầy gian khó", anh Huy chia sẻ.
Gian bếp của nhà hàng không thiếu những nguyên liệu lạ như da cá khô, nhộng ong vò vẽ, chuối non, được sử dụng để chế biến những món đậm chất quê. Đây là yếu tố giúp nhà hàng không chỉ là nơi ăn uống mà còn trở thành chốn lưu giữ ký ức và gợi lại những kỷ niệm của nhiều người xa quê.
Bà Phạm Thị Ngọc Linh, 55 tuổi ở TP Quy Nhơn, cho biết mỗi khi có bạn bè từ xa đến bà đều dẫn họ đến đây. "Món ăn ở nhà hàng chuẩn vị, đặc biệt là những món dân dã miền quê", bà nói.
Nhờ chiến lược đổi mới, Nhà khách Thắng Lợi từ một đơn vị bao cấp trở thành đơn vị đóng thuế đứng đầu toàn tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng - khách sạn.
"Mục tiêu sắp tới là tiếp tục giữ vững chất lượng, mở rộng thực đơn và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng", anh Huy nói.
Trần Thị Duyên