Hạ Huyền
Nguyễn Thế Hoàng Linh trả lời nhanh và ngắn gọn với các câu hỏi thẳng thắn, thậm chí hiểm hóc của bạn đọc trong buổi tọa đàm về tập thơ ‘Hở’ của anh tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội hôm 20/9.
Không ra thơ từ năm 2009, anh có chút trầm lắng lúc mở đầu sự kiện, chỉ nói khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hay Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái đặt câu hỏi.
Không khí sôi nổi lên khi các khách mời yêu cầu khán giả lên tiếng, đặc biệt nhờ câu "khích" của bà Nguyễn Thị Minh Thái: “Nhiều sinh viên của tôi đang có mặt ở đây, họ từng đọc thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và có nhiều điều muốn hỏi, chẳng hạn ‘Tại sao kiêu ngạo thế, nghĩ mình là thiên tài?’. Vậy hôm nay bạn nào muốn cãi nhau thì cãi nhau đi!”. Sau đó, không chỉ các sinh viên mà nhiều độc giả lớn tuổi cũng đứng dậy “chất vấn”.
(Từ trái sang) Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái trong buổi tọa đàm 20/9. |
eVan ghi lại cuộc đối đáp giữa nhà thơ 29 tuổi và các độc giả ở nhiều lứa tuổi của anh:
- Trong bài thơ “Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông” của tập "Hở", sau cuộc gọi của nhân vật đến tổng đài 1080, anh viết câu cuối “xong xuôi hết bốn chín ngàn”. Tại sao lại là con số “bốn chín”?
- Tôi xin trả lời bằng một câu lục bát thế này: “Vì có nhiều thứ làm tròn/ Nên giờ đất nước không còn tiền xu”.
- Xin hỏi thẳng, lúc làm bài thơ “Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông”, có câu “chị ơi nỗi nhớ có lông màu gì?”, tác giả đã có quan hệ tình dục chưa?
- Trong thời mở cửa này, bên cạnh việc cởi mở về tình dục thì còn cởi mở về nhiều thứ khác, như phim ảnh, truyện tranh. Thực ra, lúc làm câu thơ đó, tôi bị ảnh hưởng bởi phim hoạt hình “Monsters, Inc” thì đúng hơn. Bộ phim đó có nhiều con thú lắm lông.
- Đọc bài thơ “Bài thơ bốn khổ”, ban đầu tôi tưởng có vẻ sẽ thú vị, nhưng đọc xong thì chỉ thấy bài có một phép chơi chữ đơn giản ở chữ “khổ” - danh từ và tính từ, ngoài ra chẳng thấy có gì nữa. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ mỗi bài thơ cũng như một sản phẩm thôi. Có những sản phẩm người ta muốn xem đi xem lại, có những sản phẩm mỳ ăn liền. Điều quan trọng là tạo được một cảm xúc thú vị nào đó, ngắn hoặc dài. Một bài thơ bằng bát mỳ là vui rồi.
- Tôi thấy những bài thơ hay nhất của anh hầu hết sáng tác vào khoảng thời gian 2001 - 2002. Trước đây anh gọi đó là giai đoạn “triệt sản”, trút những bài thơ chen chúc trong đầu ra trang giấy. Còn bây giờ anh đã có vợ con, phải chăng đã qua giai đoạn “triệt sản” rồi, không viết được hay như trước nữa?
- Xin hỏi lại, phải chăng người đàn ông triệt sản rồi thì không còn hấp dẫn? Nói hơi mang tính quảng cáo một chút là hy vọng bạn sẽ tìm thấy điều bạn muốn thấy trong các tác phẩm sau này của tôi. Hy vọng bạn sẽ mua tiếp.
- Có một fan của anh cho biết từng dùng phần mềm máy tính để ghép các từ ngữ làm thành một loại “thơ máy” có phong cách Nguyễn Thế Hoàng Linh. Vậy thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh khác “thơ máy” ở điểm nào?
- Giữa người và máy thì điểm khác biệt là sự giao cảm, đó là điều mà người có còn máy thì không. Hai đứa trẻ 3 tuổi giao tiếp với nhau có thể bằng ngôn ngữ nhưng nhiều hơn là bằng giao cảm, ngôn ngữ cử chỉ. Trong thơ cũng vậy, máy chắc còn mất một thời gian rất dài mới có thể mô phỏng được điều đó.
- Trong tập này có 94 bài, được chọn ra trong số khoảng 600 bài anh sáng tác. Vậy anh có hài lòng với lựa chọn của biên tập viên không?
- Trong vòng sáu, bảy năm qua, tôi gửi bản thảo đi nhiều nơi nhưng khó xuất bản vì tôi tương đối khó tính. Nguyên tắc của tôi là nếu nhà xuất bản đòi biên tập thì tôi không in nữa. Cách đây 3 năm, tôi gửi bản thảo cho Nhã Nam nhưng không đạt được sự đồng thuận về mặt này. Sau đó bên Nhã Nam có một ý tưởng là tự chọn các bài trong số bản thảo tôi gửi đến và tập hợp lại, đặt tên là “Hở”. Tôi hoàn toàn đồng ý với cái tên này và cũng tâm đắc với những bài thơ được chọn vào.
Nguyễn Thế Hoàng Linh ký tặng thơ cho độc giả. |
- Anh nghĩ thơ của mình có thích hợp với một buổi tọa đàm không?
- Tôi không biết vì đây là buổi đầu tiên. Có lẽ hết buổi hôm nay tôi sẽ nói cho bạn.
- Anh làm gì để kiếm sống?
- Làm thơ cũng chỉ là một phần. Ngoài ra tôi làm vài công việc như nhiều người khác, có thể kể ra như bán hàng gốm sứ, dạy thêm tiếng Anh, dịch sách, còn có một số hoạt động đầu tư nhỏ lẻ không đáng kể. Năm 12 tuổi, tôi làm thơ chỉ để chơi thôi, nhưng đến một độ tuổi nào đó, tôi tin rằng thơ là một sản phẩm và nếu mình có niềm tin và cống hiến thì sẽ bán được.
- Anh quan niệm thế nào là thiên tài?
- Thiên tài là những người mà trong một khoảnh khắc nào đó họ tạo ra những tác phẩm thiên tài, chứ không phải là cái mác dán lên người để sống tiếp.
Hở là tập thơ thứ ba của Nguyễn Thế Hoàng Linh, tác giả sinh năm 1982. Trước đó anh có hai tập Lẽ giản đơn và Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của cây bút này là tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, trong đó cũng có nhiều bài thơ do anh tự làm. Nguyễn Thế Hoàng Linh bỏ học ở Đại học Ngoại thương vào năm thứ ba vì cảm thấy theo đuổi nghiệp viết thích hợp hơn dành thời gian học đại học. |
Hạ Huyền ghi