Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết tiêu chảy là bệnh phổ biến thứ hai ở trẻ nhỏ, sau nhiễm trùng hô hấp. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,3 tỷ trẻ bị tiêu chảy, trong đó có khoảng 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Các nguyên nhân dưới đây gây tiêu chảy ở trẻ:
Ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm, nước uống bị nhiễm bẩn hoặc chứa virus, hóa chất công nghiệp, ôi thiu, chưa chín kỹ... có thể gây ngộ độc ở trẻ nhỏ. Triệu chứng của ngộ độc gồm đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ cần phải điều trị khẩn cấp. Trường hợp chậm trễ, điều trị không đúng trẻ dễ bị biến chứng rối loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, tụt huyết áp, mất nước dẫn đến suy kiệt và tử vong.
![Trẻ bị tiêu chảy cần điều trị đúng cách để tánh nguy cơ tử vong. Ảnh: Vecteezy](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/nguyen-nhan-gay-tieu-chay-o-tr-3606-8075-1739347084.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3-pYERCGrHs3K2YNCuADlA)
Trẻ bị tiêu chảy cần điều trị đúng cách để tránh nguy cơ tử vong. Ảnh: Vecteezy
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Theo bác sĩ Ngọc, trẻ có thể gặp tình trạng tiêu chảy do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chế độ ăn nhiều đường, không dung nạp lactose, fructose, sucrose hoặc chưa thích nghi khi ăn quá nhiều. Một số tình huống khác cũng khiến trẻ bị tiêu chảy như: sữa pha không đúng công thức, ăn dặm sớm không đúng nguyên tắc, cai sữa sớm; trẻ mắc các bệnh về đường ruột như viêm ruột, viêm dạ dày, bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bệnh Celiac)...
Nhiễm khuẩn
Trẻ có thể nhiễm các vi khuẩn, virus như Campylobacter, Salmonella gây bệnh thường hàn hoặc không, thương hàn, Shigella, Escherichia coli, Herpes, tả, Rotavirus, cúm... từ môi trường hoặc thực phẩm. Lúc này, bé thường quấy khóc, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, sốt.
Trong đó, tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan nhanh, chủ yếu qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Trẻ nhỏ dễ nhiễm virus Rota do thói quen đưa tay lên miệng, cầm nắm đồ chơi hoặc chạm vào các bề mặt có chứa virus. Cúm lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc các giọt bắn từ mũi họng người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với bề mặt chứa virus sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Sởi
Tiêu chảy và nôn ói là biến chứng thường gặp của bệnh sởi ở trẻ. CDC Mỹ thống kê cứ 10 trẻ mắc sởi có một trẻ bị biến chứng tiêu chảy cấp. Lý do, khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, virus sởi nhân lên, sau đó gây tổn thương đa cơ quan. Virus cũng làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus như shigella, E.coli... bội nhiễm gây ra rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy, sốt...
Cách phòng ngừa
Theo bác sĩ Ngọc, sởi, tiêu chảy do nhiễm rotavirus, tả, thương hàn có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Với sởi có vaccine mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVac), loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn tiêm hai mũi phối hợp cách nhau tối thiểu một tháng.
Còn rotavirus có vaccine Rotarix (Bỉ), lịch uống hai liều liên tiếp cách nhau tối thiểu 4 tuần, dành cho trẻ 6 đến tròn 24 tuần tuổi. Vaccine Rotateq (Mỹ) có lịch uống ba liều liên tiếp cách nhau tối thiểu 4 tuần, dành cho trẻ từ 7,5 tuần đến trước 32 tuần tuổi. Vaccine tả và thương hàn sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi, nhắc lại sau hai năm với tả và ba năm với thương hàn.
Cúm hiện có vaccine cho trẻ từ 6 tuổi, trẻ chưa từng tiêm cúm từ 6 đến dưới 9 tuổi cần tiêm 2 mũi. Trẻ từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine cần nhắc lại hằng năm.
Ngoài tiêm chủng, cha mẹ cần phòng tiêu chảy cho trẻ bằng cách tập thói quen giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Trẻ cần sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, được chế biến kỹ. Các loại quả cần rửa sạch, gọt vỏ, bóc vỏ. Dụng cụ chế biến nên rửa sạch, tráng nước sôi trước khi cho trẻ dùng.
![Trẻ nhỏ uống vaccine rotavirus tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/tre-nho-uong-vac-xin-ngua-tieu-4521-7217-1739347084.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yijUmyyFM4p_WcewzNOGFw)
Trẻ nhỏ uống vaccine rotavirus tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần
Gia đình vệ sinh nơi ở sạch sẽ, rác thải để đúng nơi quy định, không nên xả rác, phóng uế bừa bãi. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều, mắc các bệnh truyền nhiễm cần đi khám sớm, tránh sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Bố mẹ cần xử trí tiêu chảy đúng cách để tránh bệnh kéo dài, ảnh hưởng tính mạng trẻ. Bước đầu tiên, trẻ nên được uống ngay oresol được pha đúng tỷ lệ, nhằm bổ sung nước và điện giải.
Nếu bé chơi tỉnh táo ngoan ngoãn, gia đình không cần đưa đi khám, tiếp tục chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Trường hợp con mệt, nôn, sốt rất cao, tiểu ít hoặc phân có máu, tiếp tục đi ngoài hoặc đi ngoài hơn 10 lần một ngày, gia đình cho trẻ khám ngay để tránh nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Ngọc, tiêu chảy dễ lây lan hơn trong môi trường học sinh đông đúc, đặc biệt từ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, không có thói quen vệ sinh, rửa tay, nhà vệ sinh thiếu xà phòng, nước sạch, các bề mặt tiếp xúc không được làm sạch thường xuyên... Do đó bác sĩ lưu ý gia đình, nhà trường giữ nhà vệ sinh sạch, có đủ nước rửa tay, xà phòng, khăn lau tay sạch hoặc giấy lau sau khi sử dụng. Gia đình, thầy cô hướng dẫn trẻ thói quen vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi sử dụng toilet để phòng bệnh.
Diệu Thuần