Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu ở người trưởng thành được định nghĩa khi nồng độ Hemoglobin (Hb) dưới 130g/l ở nam, dưới 120 g/l ở nữ không mang thai và dưới 110g/l ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3.
Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết thiếu máu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân thiếu máu thường gặp nhất. Các nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt (IDA) như giảm lượng sắt nhập, kém hấp thu sắt qua đường tiêu hóa và đặc biệt là các nguyên nhân gây mất máu mạn tính từ đường tiêu hóa do viêm loét, ung thư, bất thường mạch máu, nhiễm kí sinh trùng...
Tá tràng và đoạn gần hổng tràng là nơi hấp thụ sắt. Nếu đường tiêu hóa không hoạt động bình thường do các bệnh lý như viêm teo dạ dày, viêm dạ dày tự miễn, nhiễm helicobacter pylori, phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh celiac... dẫn đến giảm hấp thu sắt gây nên thiếu máu thiếu sắt.
Bác sĩ Huỳnh Văn Trung cho hay, nếu phụ nữ tiền mãn kinh mất máu liên quan chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân thiếu máu thiếu sắc thường gặp thì ở nam giới trưởng thành và phụ nữ mãn kinh mất máu mạn tính từ đường tiêu hóa là nguyên nhân hay gặp nhất. Một phân tích từ các nghiên cứu cho thấy, nam trưởng thành và nữ sau mãn kinh thiếu máu do thiếu sắt có tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa trên khoảng 2% và ung thư đường tiêu hóa dưới khoảng 8,9%. Vì thế, nam nữ lớn tuổi, sau mãn kinh nếu có thiếu máu thiếu sắt cần thận trọng với ung thư từ đường tiêu hóa, nhất là đường tiêu hóa dưới.
![Bác sĩ tư vấn cho người bệnh về tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/08/24/01-8204-1661306731.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HIBv_iDbu7pCPpSJtyURyw)
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh về tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Triệu chứng, điều trị
Người bị thiếu máu do thiếu sắt thường kéo dài, mạn tính, giai đoạn đầu đôi khi nhẹ, triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Khi thiếu máu nặng hơn có thể biểu hiện như hồi hộp, tim nhanh khi gắng sức, choáng váng, đau đầu, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, xanh xao, suy nhược, hoa mắt, chóng mặt.... Các triệu chứng khác như tay chân lạnh, móng tay giòn, viêm và đau lưỡi, ăn không ngon miệng, thậm chí thèm ăn những chất không có nhiều dinh dưỡng như nước đá, tinh bột. Đôi khi người bệnh chỉ ghi nhận các triệu chứng là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt như rong kinh, rong huyết, đi cầu phân đen không liên tục...
Bác sĩ Huỳnh Trung cho biết, nếu thiếu máu thiếu sắt không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Trẻ nhỏ chậm phát triển thể chất và tinh thần. Phụ nữ mang thai có thể sinh non, nhẹ cân lúc sinh. Thiếu máu còn làm tăng nhịp tim, có thể gây loạn nhịp tim, giãn cơ tim và dẫn đến suy tim.
Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt trong giai đoạn đầu thường dựa vào xét nghiệm máu. Bác sĩ khám lâm sàng có thể ghi nhận da xanh, niêm nhạt, đôi khi người bệnh không than phiền bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào. Theo khuyến cáo năm 2020 của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ, ở bệnh nhân thiếu máu, nồng độ Ferritin huyết thanh (Serum ferritin- SF) là xét nghiệm có độ đặc hiệu cao nhất cho chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt (ferritin dưới 45mcg/L có độ đặc hiệu 92%). Tuy nhiên ở bệnh nhân có tình trạng viêm mạn tính hoặc bệnh thận mạn, nồng độ ferritin có thể không phản ánh chính xác dự trữ sắt trong cơ thể, nên kết hợp thêm các xét nghiệm khác như: sắt huyết thanh, độ bão hòa tranferrin...
Bác sĩ Huỳnh Văn Trung cho biết thêm, khi tiếp cận một bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt việc chẩn đoán nguyên nhân rất quan trọng. Bác sĩ khám lâm sàng và hỏi bệnh sử chi tiết nhằm định hướng, sau đó sẽ có những chỉ định xét nghiệm và hình ảnh học phù hợp để xác định nguyên nhân chính xác. Nhiều trường hợp thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân kể cả sau khi đã nội soi đường tiêu hóa trên và dưới. Hội tiêu hóa Mỹ khuyến cáo tầm soát và điều trị helicobacter pylori (nếu có) bởi mối liên hệ giữa nhiễm helicobacter pylori và thiếu máu thiếu sắt đã được chứng minh.
![Vi khuẩn H.pylori gây viêm teo niêm mạc dạ dày làm giảm hấp thu sắt. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/08/24/02-3445-1661306731.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FoJ-cKdakFecjl2EVGkWVg)
Vi khuẩn H.pylori gây viêm teo niêm mạc dạ dày làm giảm hấp thu sắt. Ảnh: Shutterstock
Điều trị thiếu máu do thiếu sắt từ đường tiêu hóa dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nguyên nhân, bên cạnh bổ sung sắt dự trữ cho cơ thể bằng đường uống. Nếu người bệnh không thể hấp thu vi chất này qua đường uống, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm tĩnh mạch trong giai đoạn đầu
Người từng thiếu máu do thiếu sắt rất dễ tái phát. Để phòng ngừa, bác sĩ Huỳnh Văn Trung khuyến cáo, người bệnh xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung thực phẩm với nồng độ sắt cao như thịt đỏ, thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản, các loại rau lá có màu xanh đậm, trái cây khô như nho khô, mơ, ngũ cốc hoặc bánh mì, đậu hà lan... Để tối đa hấp thu sắt, người bệnh nên bổ sung thức ăn giàu vitamin C như bông cải xanh, kiwi, cà chua, dâu tây... đồng thời tránh tránh dùng trà hay cà phê trong bữa ăn vì các thức uống này ức chế sự hấp thu sắt.
Hân Thái