Sau khoảng 150 lần đến Bangkok trong 30 năm, cây viết John Tan của The Straits Times hiểu rõ về nền ẩm thực ở thủ đô Thái Lan. Ông chứng kiến nhiều thay đổi như quán pad Thái Thipsamai từng có hàng người chờ xếp hàng nhưng giờ chỉ còn là "bóng ma quá khứ" vì mở rộng chi nhánh. Ông cũng đã ăn ở Jay Fai từ trước khi quán đạt sao Michelin vào năm 2018 và giờ chứng kiến đám đông chờ hơn hai tiếng để thưởng thức món trứng cuộn cua giá khoảng 41 SGD (770.000 đồng).
Vì là khách quen, John Tan không cần xếp hàng nếu muốn ăn ở Jay Fai. Tuy nhiên, Bangkok vẫn có nhiều quán ăn buộc ông phải đi chặng đường dài, từ xe buýt tới tàu điện để đến thưởng thức. Dưới đây là 6 quán bình dân xứng đáng để du khách chọn nếu tới Bangkok.
Nhong Rim Khlong: Bậc thầy trứng cuộn cua
Những ngày đầu, quán hải sản kiểu Thái bán ngay bên con kênh trong hẻm khu Ekkamai, khách xếp hàng dài đến ngoài đường. Thời kỳ đại dịch, quán đã chuyển tới căn nhà có không gian ăn uống thoải mái với điều hòa. Tuy nhiên, người xếp hàng chờ đã tăng gấp đôi và nếu đến qua thời điểm 12h-14h, du khách có thể phải đợi hai giờ.
Nhong Rim Khlong nổi tiếng với trứng chiên cua - một món ăn sền sệt, đậm vị thịt cua và trứng - giá khoảng 17 SGD (320.000 đồng). Ngoài ra, tôm chiên tỏi giá 10 SGD (190.000 đồng) cũng ngon không kém nhờ nước chấm sốt hải sản chua cay.
![Món trứng cua từ Nhong Rim Khlong. Ảnh: Foto Collectiv](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/tai-xuong-66-jpeg-1739163513-8063-1739164411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xhCdbJCvpKVWCw5LAB2Y6Q)
Món trứng cua từ Nhong Rim Khlong. Ảnh: Foto Collectiv
Cách đó khoảng 1,5 km, du khách có thể tìm Here Hai - quán nổi tiếng với cơm chiên cua giá từ 14 SGD (260.000 đồng) hay bề bề xào tỏi tiêu, giá từ 15 SGD. Theo John Tan, trứng cuộn cua của Jay Fai vẫn giữ ngôi vương nhưng Nhong Rim Khlong lại là lựa chọn hợp lý về giá cả lẫn thời gian chờ đợi. Nếu muốn ăn ở đây, du khách nên qua sau 14h30 để giảm thời gian chờ xuống một giờ.
Jok Prince: Bát cháo tuổi thơ
Quán cháo nằm ở rìa khu China Town, cách ga BTS Saphan Taksin khoảng 400 m đi bộ, là lựa chọn phù hợp cho bữa tối nhẹ nhàng. Từng chỉ là quầy nhỏ với ghế nhựa trong con hẻm tối, quán ăn 60 năm giờ đây đã có một không gian khang trang hơn.
![Không gian bếp của quán cháo. Ảnh: The Ranting Panda](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/eimg-1994-1739163631-173916368-5411-2791-1739164412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OF6HWHHLW_3SgAOwdok3Xw)
Không gian bếp của quán cháo. Ảnh: The Ranting Panda
Cháo ở đây giá từ 1,8 USD (38.000 đồng), mịn, thơm, hấp dẫn với hương "wok hei" - tạo ra từ việc thêm gạo cháy trong quá trình nấu. Mỗi bát cháo có những viên thịt vo tay mềm mại, bằng quả bóng golf và John Tan gợi ý nên thêm trứng sống, chấm cùng quẩy chiên. Ngoài ra, người thích thử thách vị giác cũng có thể gọi trứng bắc thảo hoặc nội tạng ăn kèm.
Du khách tới sau 20h30 thường chỉ phải chờ đồ ăn khoảng 20 phút.
Gim Nguan Noodle: Mì tom yum ngoại ô
Cách xa đám đông ồn ào ở trung tâm Bangkok, trong con hẻm yên tĩnh tựa bối cảnh của thập niên 1970, quán Gim Nguan Noodle thu hút thực khách với món mì tom yum hấp dẫn.
Suốt 26 năm, Gim Nguan Noodle đã phục vụ món mì trứng dai ngon, giá khoảng 3,4 SGD (63.000 đồng), ăn kèm cá viên làm thủ công, hoành thánh cá tươi và chả cá chiên, ngập trong nước dùng tom yum thơm nồng, đặc như sữa lắc. Người không ăn cay nên yêu cầu giảm gia vị này để tránh toát mồ hôi khi thưởng thức. John Tan gợi ý Gim Nguan bởi dù đi xa, du khách sẽ không phải chờ đợi lâu như những quán nổi tiếng ở trung tâm với chất lượng không thua kém.
![Bát mì tom yum tại Gim Nguan Noodle. Ảnh: Michelin Guide](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/tai-xuong-67-jpeg-1739163777-7050-1739164412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UBaXI5HDhNH7jMzabD05Hw)
Bát mì tom yum tại Gim Nguan Noodle. Ảnh: Michelin Guide
Một lựa chọn khác cho người không muốn tới vùng ngoại ô là Rung Rueang, cách ga BTS Phrom Phong trung tâm chỉ bốn phút đi bộ. Giá mỗi phần ăn ở đây từ hơn 2 SGD (37.000 đồng).
Nếu muốn ăn mì khi trời tối, du khách hãy ghé Jeh O Chula, nổi tiếng với món mì tom yum Mama, giá từ 12 SGD (225.000 đồng). Gói mì đơn giản được nâng tầm thành một nồi lẩu hấp dẫn với thịt băm, cua, tôm, heo quay giòn và trứng sống. Thời gian chờ vào khoảng hai giờ. Sau 22h, khách chờ sẽ giảm đáng kể nhưng món heo quay thương hiệu có thể không còn.
Nai Mong Hoi Thod: Hàu chiên ngon nhất Bangkok
Khu Chinatown của Bangkok đang trải qua sự thay đổi lớn. Các kho hàng ven sông cũ đang được cải tạo thành hostel phong cách hay quán bar đẹp mắt. Những nhà hàng Thái hiện đại xuất hiện, một số phải đặt trước bốn tháng và còn giành được sao Michelin danh giá.
Tuy nhiên, chính kho tàng ẩm thực đường phố truyền thống, được truyền qua nhiều thế hệ, mới là điều khiến John Tan quay lại đây. Nai Mong Hoi Thod là một trong số đó, được ông ca ngợi "nơi có hàu chiên ngon nhất Bangkok". Món hàu chiên đặc trưng giá từ 4 SGD (450.000 đồng), nổi bật với lớp bột trứng chiên vàng rụm, phủ lên những con hàu béo ngậy. Mỗi miếng cắn đều giòn tan, đem đến sự hòa quyện hoàn hảo của kết cấu và hương vị.
![Không gian quán Nai Mong Hoi Thod. Ảnh: The Smart Local](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/nai-mong-front-1739164045-4290-1739164412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1Bujt_1247MH_ijYIDWdcg)
Không gian quán Nai Mong Hoi Thod. Ảnh: The Smart Local
Phiên bản ướt hơn của món này là Teochew - hàu chiên mềm kiểu Triều Châu, được John Tan ca ngợi "là sự cân bằng tinh tế giữa bột gạo, trứng và kỹ thuật điều chỉnh nhiệt độ tạo ra độ giòn ở viền, dẻo ở giữa".
Thời gian chờ của quán chỉ khoảng 15 phút nhưng du khách nên đến sau 17h để tiếp tục thưởng thức nhiều món ngon tại Chinatown.
Somsak Pu Ob: Miến hải sản truyền thống
Quán ăn này là show diễn một người khi chủ quán làm hầu hết công đoạn còn nhân viên chỉ chuẩn bị nguyên liệu và nhận đơn. Thời gian chế biến miến hải sản khoảng 20 phút nhưng khách phải chờ tới 1,5 giờ từ lúc giành được một ghế nhựa ở lề đường.
Chiếc xe đẩy của ông chủ quán Somsak treo đầy những chứng nhận Bib Gourmand từ Michelin. Gần đó, một cửa hàng lớn hơn bán món tương tự, có máy lạnh và số nhân viên gấp ba lần Somsak Pu Ob. Chủ quán nói họ là gia đình nhưng chỉ quầy ăn nhỏ của ông mới được Michelin chú ý.
![Phần miến hải sản với tôm tươi của quán. Ảnh: Eating Thai Food](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/goong-1739164120-1272-1739164412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9O9Eum7yWwuGEsbzOb2xsw)
Phần miến hải sản với tôm tươi của quán. Ảnh: Eating Thai Food
Giá thay đổi theo kích cỡ cua, một bát miến với cua nguyên con giá thấp nhất 34 SGD (640.000 đồng). Du khách nên đến lúc 16h30 để được ăn sớm trong lượt đầu tiên khi quán mở vào 17h. Quán chỉ có 10 bàn, bốn bếp nên nếu đến sau phải chờ rất lâu.
Ning’s Mango Stand: Xôi xoài ngon nhất
Mỗi lần đến Bangkok, John Tan có hai trải nghiệm không bao giờ thiếu: đi massage truyền thống và ăn xôi xoài ở Ning.
Quán là một chiếc xe đẩy xếp đầy xoài chín mọng, có cả sầu riêng khi vào mùa. Xôi xoài là món tráng miệng nổi tiếng nhất Thái Lan nhưng không phải quán nào cũng như nhau. Ning dùng giống xoài Nam Dok Mai thượng hạng với vị ngọt thanh, hương nồng nàn và thịt không xơ, giá từ gần 5 SGD (94.000 đồng).
![Những trái xoài được xếp đầy trên xe đẩy ở Ning. Ảnh: Um Make Me Hungry](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/10/img-1631-1739164232-1739164296-5474-1739164412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GhwD56sk4ci1OR071-Cxsg)
Những trái xoài được xếp đầy trên xe đẩy ở Ning. Ảnh: Um Make Me Hungry
"Tôi khẳng định xôi của Ning còn ngon hơn K. Panich Sticky Rice được Bib Gourmand", ông nói.
Kết thúc chuyến đi, John Tan thường qua cửa an ninh sân bay với những hộp xôi xoài vàng ươm cùng cốt dừa béo ngậy. Thậm chí, ông còn từng chia sẻ vài quả xoài cho tiếp viên khi được họ hỏi dùng nước hoa gì.
Hoài Anh (Theo The Straits Times)