Phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg ngày 20/7, Anil Sooklal, nhà ngoại giao Nam Phi phụ trách mối quan hệ với BRICS, cho biết ngoài 22 quốc gia đã yêu cầu được tham gia khối, số lượng tương đương các nước cũng bày tỏ quan tâm đến việc trở thành thành viên.
Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8.
Việc mở rộng khối đến mức nào là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Giới chức Nam Phi muốn BRICS trở thành khối mạnh nhất của thế giới đang phát triển và Argentina, Iran, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Congo, Comoros, Gabon và Kazakhstan đều bày tỏ sự quan tâm tới khả năng trở thành thành viên của khối.

Quốc kỳ các nước thuộc khối BRICS. Ảnh: VCG
Nam Phi đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Với tư cách thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan ban hành lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3, họ có nghĩa vụ bắt người đứng đầu Điện Kremlin nếu ông tới Johannesburg dự hội nghị BRICS.
Tuy nhiên, Nam Phi đã thoát khỏi tình thế khó xử này khi xác nhận Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ thay mặt Tổng thống dự hội nghị thượng đỉnh. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Nam Phi duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến Ukraine và muốn kết thúc xung đột thông qua đàm phán. Nam Phi cũng bị các nước phương Tây chỉ trích vì những gì họ coi là lập trường quá thân thiện với Nga.
Trong cuộc họp báo ở Johannesburg, các nhà ngoại giao Nam Phi nói rằng quan điểm trung lập đã được chứng minh bằng việc Nam Phi được cả hai bên chấp nhận làm trung gian hòa giải xung đột. Nga lắng nghe nhưng cuối cùng không chấp thuận kế hoạch hòa bình do Tổng thống Cyril Ramaphosa và các lãnh đạo châu Phi đưa ra tháng trước.
"Liệu sự lên án, cô lập có đưa chúng ta đến gần hòa bình hơn không? Không", Zaheer Laher, một quan chức Nam Phi, cho biết. "Nhưng việc tiếp xúc sẽ đưa các bên đến gần hơn với bàn đàm phán".
Huyền Lê (Theo Reuters)