"Theo thỏa thuận chung giữa hai nước, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đại diện Nga đến Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS", Vincent Magwenya, phát ngôn viên của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, ngày 19/7 ra tuyên bố.
Magwenya cho biết quyết định này được đưa ra sau các cuộc tham vấn do ông Ramaphosa tổ chức những tháng gần đây, với cuộc mới nhất diễn ra "đêm qua".
Điện Kremlin sau đó xác nhận thông tin này. "Tổng thống Putin đã quyết định tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS bằng hình thức trực tuyến, trong khi Ngoại trưởng Lavrov sẽ trực tiếp dự cuộc họp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo.
Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg ngày 22 - 24/8.
Magwenya cho biết lãnh đạo Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ trực tiếp tham dự. "Tổng thống Ramaphosa tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ thành công và kêu gọi đất nước dành sự hiếu khách cho các đại biểu đến từ nhiều nơi trên thế giới", Magwenya nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hôm 13/7. Ảnh: AFP
Trước đó, Nam Phi đã trong thế tiến thoái lưỡng nan vì ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin hồi tháng 3 với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, trong đó có Nam Phi, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin đầu tháng 7 cho biết Moskva "những năm gần đây" đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ những vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga. Động thái nhằm bảo vệ trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trong vùng xung đột và Nga sẽ đưa các em trở về Ukraine khi đủ điều kiện an toàn.
Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile hôm 14/7 nhấn mạnh thế khó xử của Pretoria, kỳ vọng Nga thông cảm và Tổng thống Putin không đến dự hội nghị.
Theo một tài liệu được công bố hôm 18/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã trình bày với Tòa Thượng thẩm Gauteng, có thẩm quyền với Pretoria, rằng "Nga đã nêu rõ việc bắt Tổng thống Vladimir Putin sẽ tương đương với tuyên chiến".
Trong cuộc họp báo ngày 19/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nước này không nói thẳng với Nam Phi rằng việc bắt Tổng thống Putin đồng nghĩa với tuyên chiến. Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh rằng "mọi người đều hiểu việc xâm phạm các quyền của Tổng thống Nga có thể dẫn tới điều gì".
Ngọc Ánh (Theo AFP, Reuters)