Nguyên nhân là thời tiết mùa đông kéo dài và làn sóng thứ hai của virus khiến số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, CDC nhận định.
Theo Báo cáo Giám sát Cúm hàng tuần của CDC, 7,8% số lượt khám tại các cơ sở y tế là do các bệnh liên quan đường hô hấp, mức cao nhất kể từ đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Báo cáo cũng chỉ ra hầu hết chỉ số liên quan đến cúm đều đang tăng, bao gồm tỷ lệ xét nghiệm cúm dương tính (31,6%), số bệnh nhân nhập viện trong tuần này (48.661 ca) và tỷ lệ tử vong do cúm (2%).
"Hoạt động cúm mùa vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng trên toàn quốc", CDC nói.
Lần đầu tiên trong mùa cúm năm nay, mức độ nghiêm trọng được đánh giá là "rất cao", trong khi số ca mắc Covid-19 lại đang giảm dần theo từng tháng. Các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Texas, Oklahoma, Florida, South Carolina, Kentucky, Wisconsin, Pennsylvania, Maryland, Delaware, New Jersey, Connecticut và Maine. Kentucky là một trong những bang có mức độ cúm gia tăng mạnh nhất, với xác suất bùng phát dịch lên tới 92,45%.
Tiến sĩ Kris Bryant, phó giám đốc y tế của Sở Y tế và Sức khỏe Cộng đồng Louisville Metro, nhận định các ca bệnh cúm có tác động đáng kể đến trẻ em ở Kentucky trong năm nay, đặc biệt là các em tiểu học và mầm non.
"Cho đến nay trong tuần này, hơn 2.900 trẻ có kết quả dương tính, con số còn tăng lên", Bryant cho biết.
Tiến sĩ Bryant cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc đã giảm hàng năm kể từ 2020. Cuối tháng 1, CDC báo cáo chưa đến một nửa số trẻ nước này đã tiêm vaccine, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Năm 2025, chưa đến một nửa số người dân Mỹ được tiêm vaccine.
Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm: sốt hoặc ớn lạnh; ho; đau họng; sổ mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ; đau đầu; mệt mỏi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em.
Các xét nghiệm cho thấy cúm lây lan do biến chủng theo mùa thông thường của virus, không có chủng cúm mới lây lan từ động vật.
Bên cạnh Mỹ, dịch cúm đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Tại Đông Á, Nhật Bản, Hàn Quốc báo cáo đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến bệnh viện quá tải và các loại thuốc điều trị trở nên khan hiếm. Tại Đài Loan, Trung Quốc và Hong Kong, sau cái chết vì biến chứng cúm của nữ diễn viên Từ Hy Viên, người dân đổ xô đi tiêm vaccine.
Hiện nay, dịch cúm mùa tại Việt Nam cũng xu hướng gia tăng với sự xuất hiện của các chủng cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B, không có chủng bất thường. Nhiều người nhập viện với triệu chứng nặng hơn thông thường, đặc biệt ở nhóm trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng vaccine, đeo khẩu trang và tăng cường vệ sinh cá nhân để phòng ngừa lây lan. Tình trạng khan hiếm thuốc kháng virus ghi nhận tạm thời tại một số địa phương, nhưng nguồn cung đang được bổ sung.
Thục Linh (Theo USA Today)