Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chỉ cách điều trị từng triệu chứng cúm, như sau:
Sốt cao, đau nhức toàn thân
Sốt cao 39-40 độ C là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của cúm A, đi kèm là cảm giác đau nhức cơ thể, uể oải, mệt mỏi kéo dài. Khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh có thể uống thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng phù hợp. Cần kết hợp uống nhiều nước, đặc biệt là nước oresol để bù điện giải, giúp cơ thể giảm bớt tình trạng mất nước.
Nên chườm ấm ở trán, nách và bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt. Trong thời gian sốt, cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh.
Ho, đau rát họng
Ho và đau rát họng là triệu chứng thường gặp, có thể kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ho khan hoặc ho có đờm loãng. Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần/ngày để sát khuẩn vùng họng. Các phương pháp tự nhiên như ngậm mật ong, uống trà gừng cũng giúp làm dịu cổ họng hiệu quả.
Nếu ho nhiều gây khó chịu, có thể sử dụng các loại thuốc ho thảo dược, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc ho kháng sinh hoặc kháng viêm. Trong trường hợp ho dai dẳng trên một tuần, kèm theo đờm đặc, có màu vàng hoặc xanh, người bệnh cần đi khám vì có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định.
Sổ mũi, nghẹt mũi
Cảm giác nghẹt mũi, khó thở khi ngủ do cúm A gây ra khiến người bệnh khó chịu. Để cải thiện, nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày giúp thông thoáng đường thở, hạn chế tình trạng dịch nhầy tích tụ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xông hơi với tinh dầu bạc hà hoặc sả để giúp làm loãng dịch nhầy.
Nếu nghẹt mũi nặng, có thể sử dụng thuốc xịt mũi chống ngạt, song không nên dùng quá ba ngày để tránh gây lệ thuộc thuốc.
Lưu ý, cúm A là bệnh do virus gây ra, nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Mệt mỏi, kiệt sức
Virus cúm A tấn công kèm cơ thể mất nước, suy giảm sức đề kháng khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, uể oải. Bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ, ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, cơm mềm. Nước cam, nước chanh chứa nhiều vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Nghỉ ngơi đầy đủ là điều kiện quan trọng giúp cơ thể chống lại virus. Tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng và tuyệt đối không sử dụng rượu bia, cà phê trong thời gian mắc bệnh để tránh làm cơ thể mất nước.
![Sốt là triệu chứng đặc trưng nhất của cúm. Ảnh minh họa: Pexels](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/imex1-1716446775-3651-17164468-2921-9266-1739326309.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0Oe8ogZuaMyTBIsvWxER9w)
Sốt là triệu chứng đặc trưng nhất của cúm. Ảnh minh họa: Pexels
Nhiều người khi mắc cúm A vội vàng tìm mua tamiflu, cho rằng đây là thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, không phải ai bị cúm A cũng cần dùng tamiflu.
"Tamiflu chỉ được chỉ định cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch. Với những trường hợp cúm thông thường, việc chăm sóc đúng cách có thể giúp cơ thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc kháng virus", bác sĩ cho hay.
Tamiflu hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, vì vậy không nên tự ý sử dụng mà cần có chỉ định của bác sĩ.
Phần lớn các trường hợp mắc cúm A có thể điều trị tại nhà, nhưng người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay nếu gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm sau: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; Ho nhiều, khó thở, tức ngực, môi tím tái; Cơ thể suy kiệt, mất nước nghiêm trọng (khô môi, không tiểu tiện trong nhiều giờ). Ở trẻ nhỏ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, thở nhanh, da tái nhợt.
Thúy Quỳnh