Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta vẫn thất bại trong các cuộc chiến giành lại vỉa hè. Muốn tìm được đáp án, ta cần phải đi ngược lại vấn đề, để xem vì sao vỉa hè lại bị lấn chiếm? Ai là đối tượng được hưởng lợi từ việc chiếm dụng vỉa hè?
Người ta chủ yếu lấn chiếm vỉa hè để làm chỗ buôn bán, kinh doanh, hoặc để xe cộ phục vụ khách hàng. Và đối tượng khách hàng để phục vụ ở đây chính là những người đi xe máy. Chúng ta đang chủ yếu di chuyển bằng xe máy, và đa số luôn đề cao sự tiện lợi lên trên hết. Ai cũng muốn tấp vào lề đường mua ngay được gói xôi hay ổ bánh mỳ; muốn phóng xe lên vỉa hè rồi vứt đấy chạy vào mua hàng hóa cho nhanh. Và để đáp ứng được nhu cầu nhanh và tiện đó, người kinh doanh mặt đường cứ dần dần lấn chiếm ra tận mép đường.
Khi một người lấn chiếm vỉa hè và trở nên đắt khách, tự khắc những người kinh doanh xung quanh cũng đua ra theo để giành lại thị phần. Cứ thế, nhà nhà, người người lấn chiếm vỉa hè, biến nó thành của riêng, phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Và khi mà cơ quan chức năng suốt một thời gian dài để mặc cho hoạt động kinh doanh, mua - bán trên vỉa hè diễn ra tự phát, người ta tự mặc định một tư tưởng rằng lấn chiềm vỉa hè là chuyện bình thường.
>> Tôi cho rằng ôtô gây tắc đường chứ không phải xe máy
Hà Nội lại vào chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ". Thế nhưng, thực tế, ở nước ta, lượng người đi bộ được là bao? Con số đó chắc chắn nhỏ hơn nhiều so với những người có nhu cầu trưng dụng vỉa hè làm chỗ buôn bán, kinh doanh, hoặc hưởng lợi từ hoạt động đó (người mua). Thế nên, nếu cứ đòi quyền lợi cho một nhóm thiểu số, thì số đông còn lại bị mất quyền lợi từ việc dọn dẹp vỉa hè chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt, hoặc tìm cách đối phó đến cùng. Khi đó, mọi khẩu hiệu, hành động từ chính quyền địa phương đều trở nên sáo rỗng và vô nghĩa.
>> Giành lại vỉa hè - 'không phải cứ dẹp là xong'
Vậy, làm sao để giành lại vỉa hè? Tôi tin rằng chuyện cấm đoán, ra quân xử lý vi phạm không bảo giờ là đủ nếu bản thân người dân kinh doanh và người đi xe máy vẫn mang tâm lý chống đối, không muốn giảm đi lợi ích của bản thân mình. Thế nên, muốn thành công, chúng ta phải bắt đầu từ việc hạn chế lực lượng đông đảo nhất - người đi xe máy. Chính xác hơn, muốn giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trước hết cần cấm xe máy.
Khi không còn máy lưu thông trên đường nữa, người kinh doanh trên vỉa hè đương nhiên sẽ chẳng còn đối tượng để phục vụ như trước giờ. Lúc đó, họ có lấn chiếm vỉa hè cũng chẳng có lợi ích gì, vì người đi ôtô không phải cứ muốn dừng đâu là dừng (do sợ bị xử phạt vì dừng đỗ trái phép - điều mà không thể áp dụng với người đi xe máy do số lượng quá lớn). Hệ quả, người kinh doanh mặt đường sẽ tự động trả lại vỉa hè cho không gian công cộng mà chẳng cần lực lượng chức năng phải tốn công, tốn sức, tốn tiền bạc ra quân rình rang.
Nhưng cái lợi lớn nhất, cơ bản nhất, cốt lõi nhất, khi giành lại được vỉa hè, đó là phát triển giao thông công cộng. Lúc này bến xe buýt, làn đường dành cho xe buýt rộng mở, và tất nhiên, sự tiếp cận của hành khách với phương tiện giao thông công cộng sẽ trở nên dễ dàng.
Người đi xe máy chuyển sang đi xe buýt, tàu điện, kéo theo nhu cầu đi bộ tăng lên. Lúc đó, người đi bộ sẽ không còn là nhóm thiểu số nữa, chuyện đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ (ngắn lấn chiếm vỉa hè) cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
>> 'Ông Đoàn Ngọc Hải ơi, chỉ có cấm xe máy mới dẹp được vỉa hè'
Tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề đã tồn đọng quá lâu, gây nhức nhối cho xã hội suốt bao năm qua này. Các đợt xua quân đi xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như thời gian quan chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ mãi không bao giờ là giải pháp căn cơ, đánh vào gốc rễ của vấn đề.
Tất nhiên xe máy là phương tiện đã quá phổ biến, tiện lợi cho người dân, nhất là người nghèo nên sẽ rất nhiều ý kiến cho rằng đòi cấm xe máy là nguy hiểm, là cực đoan. Nhưng nếu không giải quyết được vấn đề căn nguyên cơ bản, cốt lõi, thì mãi mãi những chiến dịch "giành lại vỉa hè" chỉ có ý nghĩa "ra quân". Đây là bài toán đau đầu nhưng duy nhất mà nhà chức trách phải tìm lời giải.
Một con phố Hà Nội (và tất nhiên, cả ở TPHCM) sẽ thông thoáng vỉa hè khi nó ngập tràn người đi bộ, bởi vì đường đó cấm xe máy, và ôtô thì bị cấm đậu còn những chỗ gửi xe hơi ở trung tâm thì quá đắt tiền.
Bảo Nam
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.