"Tại sao không quy định giảm trừ gia cảnh theo hệ số? Ví dụ giảm trừ gia cảnh bằng 7 lần lương cơ bản (hiện là 2.340.000 đồng) và giảm trừ người phụ thuộc bằng 2,5 lần lương cơ bản. Như vậy, khi lương cơ bản điều chỉnh, mức giảm trừ sẽ tự động thay đổi theo, đơn giản và hợp lý hơn".
Đó là chia sẻ của độc giả Dinhthaikhuyen sau khi Bộ Tài chính đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh lên cao nhất 15,5 triệu đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ để trình cấp thẩm quyền xem xét:
Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng CPI: mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng một tháng. Còn người phụ thuộc được nâng từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng một tháng. Phương án 2, theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người: mức giảm trừ cho người nộp thuế dự kiến lên 15,5 triệu đồng, người phụ thuộc 6,2 triệu đồng một tháng. Ở cả hai phương án, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế tăng thêm 2,3-4,5 triệu, còn người phụ thuộc 0,9-1,8 triệu đồng một người một tháng so với hiện tại.
Trong khi đó, nói về những mong muốn điều chỉnh trong cách tính mức giảm trừ gia cảnh, bạn đọc Nguyenngockhuend cho rằng: "Nên chia theo vùng giảm trừ. Ví dụ như cuộc sống ở các thành phố trực thuộc trung ương rất đắt đỏ không thể nào mà so sánh với mức giảm trừ ở vùng nông thôn được. 15 triệu đồng ở nông thôn có thể sống thoải mái nhưng 15 triệu ở thành phố mà phải thuê nhà thì không đủ để sống".
>> 'Giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là gánh nặng với người thu nhập trung bình'
Ở một khía cạnh khác, độc giả Tuyettram lại kỳ vọng: "Nên thay đổi khung đóng thuế 7 bậc vì đã áp dụng từ 20 năm trước. Ngày đó, 80 triệu đồng là rất cao, còn bây giờ rất nhiều người đạt được. Cộng thêm chi tiêu đắt đỏ, nên cần thay đổi khung thuế. Nếu giờ thu nhập 80 triệu đồng phải đóng 35% thuế sẽ là quá cao so với chi tiêu của người dân. Ngoài ra, trợ cấp người phụ thuộc hiện tại cũng cần nâng lên mức cao hơn và chia theo vùng. Không thể cào bằng nông thôn và thành phố lớn như nhau được".
Tuy nhiên, với cái nhìn đồng cảm hơn với chính sách thuế, bạn đọc Tùng Sơn phản biện: "Như các ý kiến trên cũng không sai, nhưng nhà điều hành cần cân đối nhiều mặt, còn nâng lên đặt xuống chứ không phải không nhìn ra những bất cập để điều chỉnh. Theo tôi, ở đây không đơn giản là một phép nhân. Khi sửa luật, nhà điều hành sẽ phải đánh giá tổng thể các yếu tố khác nữa. Không có công thức chung cho mọi thời điểm mà chỉ phù hợp từng giai đoạn cụ thể. Vấn đề xã hội quan tâm nhất là sự điều chỉnh ấy phải đến kịp thời, đúng thời điểm".
Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Mức này sẽ được nhà chức trách tính toán thay đổi khi CPI tăng trên 20%. Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương hiện gồm 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, bất cập khi chi tiêu, cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
- Nỗi khổ giảm trừ gia cảnh của người thu nhập 30 triệu đồng
- Nên giảm trừ gia cảnh nhiều hơn cho lao động thành thị?
- 'Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng vẫn khó sống'
- 'Nhiều người ngơ ngác khi phát hiện nợ thuế thu nhập cá nhân'
- 'Bỗng nhiên phát hiện nợ 225 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân'
- Nỗi lo từ đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm