"Ở nhiều địa phương, hầu hết đất đai tài sản thừa kế đều cho con trai nào ở với cha mẹ thừa hưởng, bản thân người con gái đi lấy chồng cũng hưởng theo chồng đó là thực tế.
Trước đây thì không sao do đất đai không có giá trị, giờ đất đai có giá trị là xảy ra tranh chấp, xảy ra kiện tụng thậm chí đánh nhau.
Tôi nghĩ cần phải phổ biến luật thừa kế tới người dân. Như quê tôi khoảng 4 năm trở lại đây cán bộ tư pháp hướng dẫn trưởng thôn, phó thôn đi tuyên truyền cho người dân, hỗ trợ người dân lập di chúc hoặc phân chia, khước từ tài sản nếu không nhận.
Tôi thấy việc này rất ý nghĩa tài sản cha mẹ đều xử lý bằng di chúc có chính quyền xác nhận. Sau khi bố mẹ qua đời, căn cứ theo di chúc mà chia tài sản thì chuyện tranh chấp không còn nữa".
Độc giả Văn Minh nhận định việc xảy ra tình trạng tranh chấp tài sản thừa kế, đất đai của nhiều gia đình là do khi chia tài sản, nhiều gia đình làm theo lệ, không phải theo luật. Bình luận này được viết sau bài 7 chị em gái kiện 'anh trưởng' vì mất phần trong 6.000 m2 đất thừa kế.
Giải thích kỹ "lệ" chia tài sản thừa kế, độc giả truongthihoa46516 nói:
"Ở quê tôi, con gái đi lấy chồng là xong thật. Hoàn toàn không bao giờ quay trở lại giành giật với những người anh trai hoặc em trai. Bởi vì những người con trai ấy cũng sẽ phải lấy vợ. Con gái đi lấy chồng thì người chồng cũng được nhận tài sản thừa kế của nhà chồng rồi (giống những người anh trai hoặc em trai mình vậy đó).
Đương nhiên về luật thì họ có quyền đòi chia tài sản chứ. Nhưng khi đi lấy chồng đã được nhận một phần tài sản hồi môn rồi. Sau này còn quay lại giành với những người anh trai hoặc em trai thì sẽ bị coi là bất thường, xa lánh, mất quê".
Bạn đọc nickname arrowrq3411510anh cho rằng: "Hủ tục trọng nam khinh nữ vốn tồn tại rất lâu trong xã hội. Ngay trong chính nhà tôi, dù mẹ tôi chăm sóc ông bà ngoại nhiều, nhưng vẫn không được chia tài sản đồng đều, mà phần lớn đều cho cậu út. Vì tư tưởng 'con gái đi lấy chồng là hết".
Độc giả Buratino cho rằng sự nhập nhằng giữa luật và lệ khiến việc tranh chấp tài sản giữa anh chị em trong một gia đình thật khó phân minh:
"Đúng là theo luật thì tài sản thừa kế sẽ được chia đều khi không có di chúc rõ ràng. Tôi thấy có nhiều độc giả cho rằng: con gái theo chồng thì hưởng bên chồng; con trai được bố mẹ cho đất thì coi như coi gái người khác (vợ) được hưởng. Chỉ khi nào có quan niệm "lấy chồng không phải theo chồng", "bố mẹ già ở viện dưỡng lão" và "thờ cúng là trách nhiệm của tất cả các con" thì việc chia đều sẽ dễ thực hiện hơn. Còn giờ thì tùy mỗi hoàn cảnh gia đình mà bảo ban nhau thôi".
*Quan điểm của bạn về việc phân chia tài sản thừa kế giữa con trai và con gái thế nào?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.