Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) bụng của anh Hoàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận điểm chảy máu ở đoạn cuối hồi tràng (cuối ruột non). Bác sĩ can thiệp nút mạch (DSA) cầm máu và theo dõi. Hai ngày sau anh tiếp tục đi đại tiện ra máu bầm.
Ngày 10/2, Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hoàng Kiến Tâm, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân xuất huyết từ ruột non, nội soi thông thường không thể tiếp cận nên rất khó chẩn đoán. Người bệnh bị xuất huyết theo từng đợt, khó tìm ra điểm xuất huyết khi ngưng chảy máu. Do đó, bác sĩ chỉ định nội soi bằng viên nang có gắn camera di chuyển dọc theo đường tiêu hóa để ghi nhận hình ảnh bên trong ruột non. Tuy nhiên, hình ảnh nội soi hạn chế nên khó xác định hết các điểm xuất huyết tiêu hóa.
"Khả năng cao người bệnh có nhiều vết loét trong ruột non, gây xuất huyết nhiều lần và nhiều chỗ", bác sĩ Tâm nói, thêm rằng phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ đoạn ruột non có nhiều chỗ loét, đồng thời nội soi trong khi mổ để kiểm tra, xử lý triệt để.
Kíp mổ đưa ruột non ra ngoài qua đường mổ giữa bụng, nội soi ống mềm kiểm tra toàn bộ ruột non đại tràng lên và tá tràng. Bác sĩ phát hiện đoạn cuối ruột non có một ổ loét to đang rịn máu và vài ổ loét nhỏ cách đó 15 cm. Bác sĩ cắt một đoạn đại tràng phải và hồi manh tràng khoảng 40 cm (chỗ chứa vết loét), khâu nối đại tràng với ruột non.
![Bác sĩ Tâm (trái) thực hiện phẫu thuật nội soi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/Hi-nh-1739155264-3829-1739155555.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etsZzurBDephypL3pf3bQA)
Bác sĩ Tâm (trái) thực hiện phẫu thuật nội soi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Tâm, người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa khá lâu nên thiếu máu trầm trọng. Chỉ số hemoglobin (một loại phân tử protein chuyên chở oxy và tạo màu đỏ cho hồng cầu) ở mức dưới 5.0 g/dl, bình thường 13-18 g/dl. Anh phải truyền 6 túi máu trước khi mổ và một túi máu trong lúc mổ, tức gần 2,5 lít máu.
Hậu phẫu, anh Hoàng bình phục tốt, không còn tình trạng xuất huyết, có thể đi lại một ngày sau phẫu thuật, vết mổ khô. Anh ăn uống bình thường sau hai ngày phẫu thuật.
![Bác sĩ Tâm khám, kiểm tra lại vết mổ cho anh Hoàng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/hi-nh-1-1739155293-1739155307-3345-1739155555.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wm2KibyjvG1y4xdYaXfDRQ)
Bác sĩ Tâm khám, kiểm tra lại vết mổ cho anh Hoàng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Xuất huyết đường tiêu hóa là trường hợp cấp cứu khá thường gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong đường tiêu hóa. Trong đó, thường gặp là ở dạ dày hoặc đại tràng, ít gặp ở ruột non. Triệu chứng gồm đi ngoài phân có máu, phân đen, ra máu ồ ạt. Người bệnh thường nhập viện trong tình trạng thiếu máu, trong đó có khoảng 10% người bệnh thiếu máu trầm trọng phải truyền trên 4 đơn vị máu.
Bác sĩ ưu tiên điều trị nội khoa, dùng thuốc để điều trị xuất huyết tiêu hóa. Nếu chảy máu cấp tính nghiêm trọng, bác sĩ truyền hồng cầu cho người bệnh. Các biện pháp cầm máu qua nội soi như tiêm cầm máu, kẹp clip, đốt nhiệt, đốt Argon plasma, đốt laser... Chụp mạch và can thiệp nội mạch được áp dụng với bệnh nhân đang có xuất huyết tiêu hóa nặng mà không đáp ứng hoặc không có hiệu quả khi điều trị bằng nội soi. Phẫu thuật được chỉ định khi có xuất huyết tiêu hóa cấp tính và can thiệp qua nội soi hay can thiệp mạch thất bại. Bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu, suy nhược, nhức đầu, khó thở, thiếu tỉnh táo...
Bác sĩ Tâm khuyến cáo người bệnh có các triệu chứng da xanh, niêm nhợt nhạt, chóng mặt, đau ngực, lú lẫn, lượng nước tiểu giảm, mạch nhanh, huyết áp tụt... cần đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |