Nguyễn Lệ Chi
- Xin chào nhà văn Mạc Ngôn, nom ông rất khỏe và sáng tác vẫn rất hăng. Ông đang nghiền ngẫm tác phẩm mới nào?
![]() |
Nhà văn Mạc Ngôn (trái) và nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo tháng 7/2006 trong chuyến sang Nhật nhận giải thưởng "Người đóng góp lớn cho văn học châu Á" - Ảnh tư liệu. |
- Có chứ. Sáng tác là nguồn sống của tôi, mặc dù phần lớn chúng luôn khiến tôi mệt mỏi vì suy nghĩ và kiệt sức. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể dứt nổi chúng. Sau cuốn tiểu thuyết mới nhất Mệt mỏi tới chết mà Công ty văn hóa Phương Nam đã mua bản quyền, tôi đang ấp ủ ý tưởng cho một tiểu thuyết khác, dự định năm sau sẽ hoàn tất. Thông thường tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ đề tài, sắp xếp mạch nhánh cho câu chuyện trong đầu và tìm tư liệu. Còn thời gian đặt bút viết nhanh lắm. Chẳng hạn như cuốn Mệt mỏi tới chết gồm 490.000 từ, tôi chỉ viết trong 43 ngày.
- Ông kể câu chuyện gì trong cuốn tiểu thuyết này?
- Đây là cuốn sách đầu tiên tôi viết tay, vứt bỏ máy tính, tổng kết những kinh nghiệm sống mà tôi tích lũy được suốt 43 năm qua. Với kết cấu "sáu đạo luân hồi" mượn dùng từ Phật giáo, tôi viết về câu chuyện một địa chủ bị giết oan, không ngừng luân hồi trong các kiếp nghiệt súc, mãi cuối cùng mới được trở lại thành người.
Tôi dùng đôi mắt của động vật để miêu tả lại những thay đổi của xã hội Trung Quốc suốt 50 năm qua. Nhất là về mối quan hệ giữa nhân dân với đất đai, với thể chế XHCN, về những khó khăn của nông dân và những vấn đề còn tồn tại ở nông thôn sau cải cách ruộng đất. Tóm lại đây là một cuốn sách rất phức tạp nhưng đặc biệt thú vị. Hy vọng độc giả VN cũng yêu thích như các cuốn sách trước.
- Các nhà văn dường như vẫn có thói quen viết đêm. Ông thì sao?
- Không, tôi viết văn như những người lao động phổ thông, sáng tác ban ngày thôi, ban đêm nghỉ ngơi. Mà thật ra cũng không được nghỉ ngơi đâu. Khi ngủ toàn nằm mơ do đầu óc nghĩ ngợi nhiều quá.
- Ông mơ lành hay mơ dữ?
- Toàn ác mộng mới khổ chứ. Hơn nửa đời người, tôi toàn sống trong ác mộng đấy, ngủ không bao giờ được ngon giấc. Lúc thì mơ thấy bị người đuổi, đánh, giết, mình cứ ra sức chạy trốn mà người cứ nặng trĩu như khúc gỗ. Nhưng có lúc bí quá lại bay vụt được lên, như là chim vậy, nhìn thấy cả cây cối, nhà cửa bên dưới cũng thú vị lắm.
- Thời gian rỗi ông thường làm gì?
- Cũng ít có thời gian rỗi lắm, nhưng tôi tranh thủ đọc sách hoặc đi tới những vùng mà mình định sử dụng làm chất liệu để quan sát kỹ trước khi viết. Ngoài viết văn, tôi còn tham gia viết chuyên mục trên báo và một số lời giới thiệu cho các nhà văn Trung Quốc trẻ có triển vọng như Trương Duyệt Nhiên...
- Ông nhận xét thế nào về dòng văn học Ling Lei?
- Hậu sinh khả úy, thế hệ sau nhiều điều kiện hơn và năng động hơn lớp chúng tôi. Nhưng ăn nhau ở sức bền và tình yêu với văn học thôi. Những nhà văn trẻ như vậy ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Các nhà xuất bản suốt ngày gọi điện nhờ tôi viết lời tựa cho sách. Nhưng tôi không có thời gian đọc sách của họ làm sao viết lời tựa được cơ chứ. Tuy nhiên đó là một dòng văn học sinh động, hiện đại và gửi gắm nhiều khát vọng mới của lớp trẻ. Hy vọng độc giả VN cũng đón nhận các tác phẩm của dòng văn học này.
Nguyễn Lệ Chi thực hiện
(Nguồn: Tuổi Trẻ)