Mấy năm trước, anh đồng nghiệp cũ của tôi than thở rằng Tết tốn kém quá, chỉ riêng tiền lì xì đã đủ khiến anh xót ví. Anh còn băn khoăn: "Sao người lớn, bạn bè không thoả thuận mức trần lì xì cho trẻ con, để đỡ khổ?".
Rồi mùng 6 Tết đi làm, trường chưa mở lại, sếp và vài đồng nghiệp phải dắt con theo. Anh đồng nghiệp hào phóng phát lì xì cho đám trẻ, nhưng vừa ra khỏi phòng đã giật mình chạy ngược lại, tìm cách đổi bao lì xì mệnh giá cao hơn cho con sếp. Tôi tròn mắt, nghĩ thầm không phải vì sợ đứa trẻ chê ít, mà anh sợ mẹ của nó - sếp - không hài lòng.
Năm đó, tôi cũng eo hẹp tài chính, nhưng vẫn cố lì xì 200 nghìn mới "xem được". Sau này, nhảy việc vài lần, giờ làm cho công ty nước ngoài, lương xấp xỉ 50 triệu một tháng, tôi mới nhận ra: Sống mà cứ sợ người này đánh giá, người kia nghĩ gì thì mệt mỏi lắm.
Vậy nên, tôi lì xì trẻ con một mức chung: 10 nghìn, bất kể con ai. Lì xì là lấy may chứ không phải đánh giá giá trị con người bằng tờ tiền. Còn người lớn thì khác. Bố mẹ hai bên, ông bà, những người đã nuôi nấng, yêu thương mình từ một đến hai triệu đồng.
Lì xì vốn là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa chúc may mắn, không phải thước đo giá trị hay công cụ để tạo áp lực. Trẻ em nhận lì xì không phải để tích trữ tài sản, người lớn mừng tuổi không phải để khoe khoang.
Nhưng càng ngày, lì xì càng bị gán thêm những lớp nghĩa nặng nề: Ai lì xì nhiều thì được khen hào phóng, ai lì xì ít thì bị đánh giá. Người nhận không còn thấy vui vì lời chúc, mà chỉ để ý đến con số trên tờ tiền. Và đôi khi, người lớn lì xì cho trẻ con nhưng sự tính toán thiệt hơn xuất hiện, làm mất đi ý nghĩa thuần túy của phong tục này.
Mạnh Quang