Trả lời:
Một trong những nguyên nhân chính gây loạn thị là di truyền. Nếu cha mẹ bị loạn thị, con cái có nguy cơ cao mắc tật khúc xạ này từ nhỏ. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp loạn thị đều do di truyền. Một số trẻ vẫn có thể phát triển thị lực bình thường dù bố mẹ bị loạn thị và ngược lại, trẻ có thể mắc loạn thị do các nguyên nhân khác như bất thường cấu trúc giác mạc, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hoặc do tác động từ môi trường.
Loạn thị ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện vì các bé chưa có khả năng mô tả rõ cảm giác mờ hay mỏi mắt. Một số dấu hiệu cảnh báo gồm trẻ hay nheo mắt khi nhìn, nghiêng đầu khi đọc, than mỏi mắt, chảy nước mắt, dụi mắt thường xuyên hoặc tập trung kém khi học.
Loạn thị là tật khúc xạ phổ biến, xảy ra khi giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng bất thường, khiến hình ảnh bị mờ hoặc méo. Tùy mức độ, bác sĩ có thể chỉ định đeo kính điều chỉnh loạn thị kết hợp theo dõi định kỳ. Cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá sớm, đảm bảo ánh sáng học tập phù hợp, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để hỗ trợ phát triển thị giác tốt hơn.
Bạn nên đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được đo khúc xạ, soi đáy mắt cũng như đánh giá toàn diện. Phát hiện và kiểm soát sớm có thể ngăn ngừa nguy cơ nhược thị, tình trạng thị lực kém không hồi phục... cho bé.
ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng
Trung tâm Mắt Công nghệ cao
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nhãn khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |