Mấy bữa nay nghỉ ngơi Tết, rảnh rang vì con cái, đứa đưa nhau về quê ngoại, đứa đưa vợ, con đi du lịch, mấy ông già chúng tôi có cơ hội tụ tập ngồi cà phê, tám gẫu. Trong câu chuyện ngày đầu xuân, chúng tôi có bàn đến chủ đề tiền lì xì bao nhiều là đủ? Có ông bạn già của tôi hồi tưởng lại, ngày còn bé, cũng mong đợi được mừng tuổi ngày Tết. Mỗi khi nhận được bao lì xì là bạn hớn hở chạy về khoe mẹ, đưa mẹ giữ và dùng tiền ấy đi đong gạo, mua sách vở, khá hơn chút thì được mua quần áo mới.
Rồi kinh tế thị trường dần phát triển, ngày nay người ta lấy tiền bạc làm thước đo giá trị. Người nhiều tiền mặc nhiên là "đẳng cấp cao". Cứ như vậy, bao lì xì ngày Tết cũng chuyển mình theo, ngày một dày thêm. Mức độ giá trị của tiền mừng tuổi giờ đây không chỉ gói gọn trong ý nghĩa lấy may đầu năm, mà còn là thứ để người ta thể hiện bản thân mình, xem năm qua đã ăn nên, làm ra thế nào, thành công ra sao? Người lớn lì xì cho trẻ, nhưng thực chất là nhằm mục đích lấy lòng phụ huynh của chúng, tự khoe mẽ bản thân mình.
Một số bậc cao niên khác trong nhóm chúng tôi lại có suy nghĩ bình thản hơn. Họ cho rằng, cứ bình tĩnh, bởi dù đời sống kinh tế xã hội có phát triển hơn nữa, thì số tiền lì xì cũng không thể mua được xe hơi, mua được đất, xây được nhà... Nên xét cho cùng, tiền lì xì vẫn chỉ là mừng tuổi mà thôi, nhiều thêm một chút cũng chẳng thấm tháp gì so với đà leo thang của giá cả thị trường.
>> 'Tiền lì xì con trẻ là món nợ của người lớn'
Thực ra, ngày đầu năm mới, mà bàn chuyện không hay liên quan đến tiền nong trong phong bao lì xì của trẻ nhỏ đúng là không vui vẻ gì. Nhưng, đáng tiếc nhiều chuyện dở khóc dở cười, thậm chí cả bức xúc xung quanh chuyện mừng tuổi ngày Tết đã và đang nóng lên trong vài chục năm trở lại đây. Trước đây, câu chuyện lì xì ngày Tết không quá phức tạp như bây giờ. Tôi nhớ bản thân mình chưa bao giờ được nhận tiền mừng tuổi, dù đến nay đã U70. Nhưng tôi cũng không thấy băn khoăn hay phiền lòng gì về điều đó.
Giờ đây, theo trào lưu chung, tôi cũng lì xì cho các cháu. Số tiền để trong phong bao đỏ chỉ là 10.000 đồng (duy trì đến nay). Tất cả các cháu nội - ngoại, lớn - bé đều như nhau, từ đứa còn trong bụng mẹ, đến đứa đã có quyền cao, chức trọng... Thực ra, tôi không để ý đến việc cháu mình có hài lòng với số tiền đó hay không? Cũng không quan tâm xem chúng có so sánh, tỵ nạnh với ai không? Nhiều năm nay, tôi đều làm như thế, vì chủ đích sau cùng vẫn là thay lời chúc may mắn, tạo được niềm vui cho các cháu ngày đầu năm, chứ không phải khiến chúng nôn nóng mong đợi tiền lì xì ngày Tết.
Tôi cũng không chạy theo thời giá thị trường để tăng giá trị tiền lì xì qua mỗi năm. Lại càng không ganh đua với bất cứ ai để lấy lòng các cháu. Bởi vì, tôi làm gì cũng có mục đích, muốn giúp đỡ nhau vì thấy khó khăn thì hãy để lúc khác, chọn đúng thời điểm hợp lý. Đừng biến Tết thành dịp để "xóa đói giảm nghèo", biến tiền mừng tuổi của con trẻ thành tiền từ thiện, hay vì những mục đích nào khác của người lớn.
Phạm Thiết Hùng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.