Mấy hôm nay liên tục đọc được mấy bài viết của mấy "bác già" cứ đem kể khổ thời 6x, 7x của các bác so sánh với giới trẻ 9x, đặc biệt là bài: 'Tư tưởng hưởng thụ khiến nhiều người trẻ khó mua nhà'.
Tôi muốn nói như thế này:
Đừng nên phán xét người khác, mỗi người có cuộc sống riêng và cách sống riêng nên đừng đem tiêu chuẩn của bản thân để mà áp đặt lên cho người khác. Thời các "bác già" là thời khổ về vật chất, hay nói đúng hơn là đói ăn về nghĩa đen. Thời các bác cơm gạo thiếu, vật chất thiếu thốn so với bây giờ nên sống khổ hơn là chắc chắn. Nhưng thời các bác đất thì không bao giờ là thiếu cả nên có như nào cũng vẫn có mảnh đất cắm dùi, thậm chí xin cấp đất còn có thể được.
Thời nay để chết đói theo đúng nghĩa đen là rất khó. Các "bác già" đừng đem cái chuyện có nhà ra để phán xét vì nó không khác gì đem khả năng leo cây ra để đánh giá khả năng của một con cá cả.
Bất động sản hiện nay đang là một lĩnh vực bị thổi giá khá nhiều bởi những công ty bất động sản và cò. Đất liên tục bị thổi giá và hét với mức cao ngày một cao hơn.
Ví dụ: một dự án chung cư tại Long Biên - Hà Nội giai đoạn 2012-2015 được chào bán với mức giá khoảng 28 triệu đồng một m2 và bị cho là cao nhưng hiện tại ở 2023 thì cũng đã trên 40 triệu đồng một m2.
Các bác lớn tuổi vin vào cớ có nhà để đánh giá khả năng của giới trẻ bây giờ thì chẳng khác nào vin vào lợi thế của thế hệ các bác là đất rẻ cả. Nếu bây giờ giới trẻ cũng như các bác và bảo "ngày xưa các bác 6x, 7x đất đai có nhiều như thế mà vẫn đói ăn thì quá là kém, tại sao không suy nghĩ sáng tạo lên để chí ít là đủ ăn đủ mặc" thì không biết các bác sẽ nghĩ sao?
Nếu muốn so sánh thì hãy dùng sức mua của đồng tiền để phán xét. Hãy thử ngẫm xem một căn nhà bằng trung bình thu nhập bao nhiêu năm của một người đi làm. Sau đó, ngẫm lại xem nếu như thế hệ của các bácthì đi làm bao lâu thì mua được đất.
Thử một ví dụ nhé: Một cậu thanh niên thu nhập 25 triệu đồng một tháng (thuộc lại khá cao trong xã hội hiện nay) và cứ coi như là không ăn, không uống thì một năm tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng.
Một căn chung cư tương đối ở Hà Nội thì cũng phải trên ba tỷ đồng, cậu thanh niên đó cần không ăn, không uống, không chi tiêu thì 10 năm sẽ có được nhà. Nhưng liệu 10 năm nữa căn nhà đó còn giá ba tỷ để mà mua khi BĐS ngày càng đắt và lên giá.
Sẽ có người lại phản biện lại rằng đắt thế thì về vùng ven, tỉnh mà mua thì xin thưa rằng ở tỉnh cơ hội việc làm ít hơn và cũng rất khó để có được mức thu nhập 25 triệu đồng một tháng (nhắc lại là khó chứ không phải không thể nhé).
Ngày xưa cơ hội việc làm ít, việc làm thêm cũng ít nhưng vì dân số chưa đông như bây giờ nên không cạnh tranh được như bây giờ đâu bác. Càng ngày người càng khôn của càng khó nên kiếm tiền để không chết đói thì dễ chứ kiếm tiền để giàu lên không dễ đâu.
Bây giờ là đến phần phản biện bài viết của tác giả:
-"Ăn uống kham khổ, có được miếng cơm là mừng muốn khóc chứ đừng nói đến có thịt, cá hay bánh, kẹo". Sao thời trước đất đai còn nhiều, cá tép đầy sông mà lại không biết nghĩ cách mà bắt mà ăn hả bác? Hay là do kém.
Sẽ có bác bảo là thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, vật chất khó khăn để đánh bắt, sản xuất. Vậy các bác có nghĩ đến cái khó của bây giờ?
- "Còn nói việc kiếm tiền thì thời trước, đến người trong độ tuổi lao động còn không có việc để làm, nói gì đến học sinh, sinh viên kiếm việc làm thêm. Trong khi đó, ngày nay, các bạn trẻ có thể làm đủ việc, từ bán online, làm shipper hay bán hàng cho các quán cà phê, quán ăn nhanh...".
Tiền bây giờ kiếm không quá khó nhưng tiền này nó chỉ đủ đề đảm bảo "tồn tại" thôi, còn dựa vào số tiền này để mua được nhà là khó đấy các bác. Làm thêm thì tốt 3-5 triệu đồng một tháng, chỉ đủ chi phí sinh hoạt thuê nhà thôi. So sánh kiểu như các bác thì mức thu nhập con số này cao gấp mấy chục lần thu nhập ngày trước kiếm được.
- "Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có được nơi làm việc và thu nhập tốt, càng không có chuyện ra trường là mặc định làm sếp cả. Họ cũng phải cạnh tranh rất khó khăn với những người có quan hệ quen biết và giờ không thiếu gì người vẫn làm nhân viên quèn".
Xin nhắc lại bây giờ là 2023, dân số Việt Nam cũng tầm 100 triệu dân rồi bác ạ, nên cạnh tranh chỉ có gay gắt hơn xưa thôi chứ không có kém. Mọi người ai cũng có đủ cơm ăn, áo mặc, cuộc sống đầy đủ hơn nên cạnh tranh gay gắt ở mức độ khác.
- "Thế hệ 8X, 9X hiện nay cũng có nhiều người rất giỏi, thu nhập vài chục triệu một tháng cũng chẳng phải ít. Chẳng qua là nhiều bạn trẻ mang tư tưởng hưởng thụ nhiều nên tích lũy của họ ít mà thôi. Trong khi các thế hệ trước thường ưu tiên tích lũy, ít chi tiêu nên khi cần mua nhà, đất, họ có sẵn tiền trong tay".
Bác cho hỏi là để mua được một mảnh đất để ở sẽ tốn khoảng bao năm làm việc của bác?
- "Tôi vẫn hay nói vui, nếu thế hệ trẻ ngày nay phải sống kham khổ trong một tháng như cách đây 40 năm, chắc họ không chịu nổi".
Đúng là thế hệ trẻ sẽ khó chịu được khổ như thế hệ các bác nhưng cũng phải nói lại là thế hệ các bác mới ra trường mà cho cạnh tranh với thế hệ trẻ bây giờ thì các bác sẽ bị loại đầu tiên. Cập nhập thông tin và xu hướng mới trong công việc các bác chậm chạp và không đủ kỹ năng đâu.
Cái khó của thế hệ trước là khó về vật chất, cái thuận lợi của thế hệ hệ trước là mọi thứ còn rẻ. Cái dễ của thế hệ này và vật chất, đời sống đủ đầy, cái khó của thế hệ này là mọi thứ rất đắt.
Xin trước khi so sánh hãy ngẫm điều sau:
1. Thế hệ trước trong thâm tâm thì mong muốn lớn nhất là ăn no - mặc ấm vì đó là cái khó và là mục tiêu vươn lên của các bác. Thế hệ này thì mong có cuộc sống đủ đầy, có nhà có xe chứ ăn no, mặc ấm đã không còn là mong muốn lớn nhất nữa rồi vì gần như ai cũng có ăn có mặc theo nghĩa đen.
2. Các bác cứ lấy chỉ tiêu mua nhà ra để đánh giá thì sẽ ra sao nếu lấy chỉ tiêu ăn no, mặc ấm ra để đánh giá thế hệ trước.
Cong Nghe Nhua
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.