Tôi phải làm sao để hết nứt nẻ gót chân khi trời lạnh? (Nguyễn Lụa, 29 tuổi, Nghệ An)
Trả lời:
Nứt gót chân là một trong những vấn đề về da mà nhiều người hay gặp, nhất là khi thời tiết khô, lạnh. Da ở vùng gót chân khô ráp, nứt nẻ, bong tróc, ngứa, chảy máu. Nứt gót chân gây mất thẩm mỹ, một số người còn bị đau, gặp khó khăn khi di chuyển hoặc đứng lâu một chỗ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vết nứt sâu không được điều trị kịp thời có thể bị nhiễm trùng.
Có nhiều nguyên nhân gây nứt gót chân như thời tiết lạnh và khô khiến da thiếu độ ẩm, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, không chăm sóc da gót chân. Một số bệnh có thể gây ra nứt gót chân như viêm da cơ địa, vảy nến (nhất là vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân), dày sừng lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc các bệnh toàn thân như đái tháo đường, suy giáp...
Để điều trị nứt gót chân, người bệnh cần tìm đúng nguyên nhân và luôn giữ ẩm da. Bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa ure 5-10%, glycerin, ceramide... hoặc hoạt chất có tính bạt sừng như ure 20-30%, salicylic acid, axit alpha-hydroxy...
Nếu nứt gót chân nặng, nứt sâu gây chảy máu, nhiễm trùng, bạn cần đi khám và điều trị sớm. Bạn làm sạch bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, sau đó bôi thuốc kháng sinh, gel giúp nhanh lành thương hoặc có thể cần sử dụng kháng sinh đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa nứt gót chân khi trời lạnh bằng cách kiểm tra bàn chân hằng ngày. Khi có dấu hiệu nứt nẻ đầu tiên, chỉ cần dưỡng ẩm 2-3 lần một ngày là đủ để chữa lành gót chân. Ngâm chân trong nước ấm 5-10 phút mỗi ngày giúp làm mềm da chết, tạo điều kiện thuận lợi để có thể loại bỏ chúng nhẹ nhàng bằng đá bọt hoặc bàn chải mềm.
Bạn nên mang giày dép phù hợp, có đế mềm, không hở gót, kèm vớ để giảm tác động từ môi trường lạnh. Hạn chế đi chân trần, nhất là trên bề mặt cứng. Chế độ ăn uống cũng góp phần cải thiện tình trạng nứt gót chân. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, omega-3 và uống đủ hai lít nước mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong.
Nếu sau khi thực hiện các phương pháp trên mà nứt gót chân không giảm hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn cần đến bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị.
ThS.BS Huỳnh Công Trí
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - chăm sóc da tại đây để bác sĩ giải đáp |