Lo âu là một trong những biểu hiện điển hình của hội chứng Covid kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người mắc.
Theo các bác sĩ Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh hậu Covid thường lo sợ quá mức về sức khỏe của bản thân và gia đình, bên cạnh các nỗi lo về sinh kế, những thông tin sai lệch trên mạng xã hội... Ngoài ra, nhiều người đối mặt với các xung đột trong việc lựa chọn, đưa ra các quyết định có thể mang tính tổn hại cho cá nhân và người thân như nên hay không nên tiêm vaccine, nên hay không nên đưa người lớn tuổi nhập viện khi mắc bệnh.
Biểu hiện
Tâm trạng buồn kéo dài liên tục; tuyệt vọng; cảm thấy bản thân không có giá trị, cô đơn do giãn cách xã hội (đặc biệt đối với người lớn tuổi, người sinh hoạt một mình); mất động lực làm việc; mất hứng thú trong những sở thích thông thường.
Thường xuyên mệt mỏi, chậm chạp khó tập trung, giảm giao tiếp (do sinh hoạt một mình hoặc không muốn giao tiếp do sinh hoạt trong môi trường có mâu thuẫn), thay đổi thói quen ăn uống và giấc ngủ, không sử dụng hoặc sử dụng các cơ chế phản ứng phòng vệ không phù hợp trong các tình huống.
Cách xử lý
Các chuyên gia khuyên người mắc chứng lo âu nên kết nối với người thân, gia đình hoặc bạn bè qua điện thoại hoặc video, đồng thời duy trì các hoạt động và sở thích cá nhân.
Bên cạnh đó, người dân nên thiết lập lịch tập thể dục trong nhà hoặc ngoài trời như hành lang, quanh nhà. Tự chăm sóc bản thân, giữ thái độ lạc quan, tích cực, trao đổi chia sẻ với đồng nghiệp...
Ngủ và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Cân bằng hoạt động trong công việc và cuộc sống. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn từ các nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần khi cần.
Ngoài ra, người bện nên nhận diện và thay đổi những suy nghĩ chưa hợp lý. Ví dụ, buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực gây căng thằng như: "Tất cả mọi thứ đều tệ hại", "Tại sao chỉ tôi gặp phải những vấn đề này", "Tôi không đủ sức đương đầu với hoàn cảnh", "Tôi phải kiểm soát được mọi thứ, "Tương lai chỉ có một màu ảm đảm"...
Thay vào đó hãy tự hỏi bản thân: "Có phải những suy nghĩ trên lúc nào cũng đúng", "Có bằng chứng nào cho thấy điều ngược lại không", "Tôi có đang đưa ra những yêu cầu tiêu chuẩn quá cao", "Tôi có những sức mạnh giá trị nguồn lực nào", "Đâu là những suy nghĩ cân bằng, toàn diện"...
Luyện tập và dành thời gian hít thở, chú ý đến cảm giác cơ thể, thể hiện lòng biết ơn, đón nhận cảm xúc bản thân, đón nhận sự bất định... Tạo bảng ghi chú (như dưới dây), để theo dõi căng thẳng và xử lý.
Lê Cầm