Chiều mùng ba Tết, hai đứa em Gen Z trong công ty nhà ở thành phố nhắn tin: "Sáng mai tụi em xuống nhà anh chơi Tết nhé, đi bằng xe máy". Vui quá. Tôi cẩn thận gửi vị trí, dẫn đường, nhắc nhở kỹ lưỡng.
Sáng mùng bốn, gia đình tôi tất bật mổ gà, chuẩn bị cỗ đãi khách xa. 5h sáng, hai đứa nhắn tin thông báo xuất phát. Tới 8h, vẫn không thấy tăm hơi đâu. Quãng đường chưa đến 150 km, lại đường ngày Tết vắng mà sao lâu thế?
Sốt ruột, tôi gọi điện, đầu dây bên kia bảo "xe bị bể bánh, thay vỏ lẫn ruột. Tụi em chỉ mang 400 nghìn, ăn sáng với cà phê hết trăm mấy, giờ tiền không đủ trả tiệm...".
Thế là một bạn ở lại canh xe, bạn kia "mượn" xe chủ tiệm, phóng ra thị trấn tìm ATM. Mà lại đang lúc Tết, ATM chắc gì còn tiền? Thị trấn nhà tôi chỉ có hai ngân hàng đợt Tết nhiều người từ thành phố về quê, xếp hàng rồng rắn rút tiền, chắc gì trong ATM giờ này còn tiền mặt?
Không nói nhiều, tôi xách xe, phi 30 km ra tiệm sửa xe, giải cứu hai đứa khổ sở. Vào được đến nhà, ăn xong một bữa ngon, tôi mới sạc một trận: "Đi xa, nhất là về quê, sao không mang dư tiền mặt?". Hai đứa lí nhí: "Định đi rút tiền, rồi quên. Còn bao lì xì nửa, mà quên mang theo...".
Vấn đề nhiều bạn trẻ ỷ y vào thanh toán QR code, chuyển khoản nên không thủ sẵn tiền mặt đã được nhiều người đề cập.
Ngày nay, thanh toán không tiền mặt là xu hướng rõ ràng. Nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt như về quê, nhất là ngày Tết, khi ATM có thể hết tiền, chủ tiệm không dùng internet banking, thẻ không quẹt được... thì tiền mặt vẫn là vua - cash is king.
Và bài học nhỏ nhưng đắt này, chắc hai đứa em tôi sẽ nhớ rất lâu.
Đức Minh