Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, chuyên ngành Cơ khí, tôi được rất nhiều chỗ mời về làm việc. Tuy nhiên, tôi đều từ chối tất cả những lời đề nghị đó.
Rốt cuộc, tôi lại chọn cất bằng đại học và xin vào làm công nhân cho một xưởng gia công cơ khí của một tập đoàn lớn. Mục đích chính của tôi lúc đó là muốn biết giữa thực tiễn và lý thuyết được học trên nhà trường khác nhau như thế nào? Và đúng là thực tế mà tôi trải qua rất khác so với những kiến thức trong sách vở. Có những thứ mà nhà trường chưa bao giờ dạy tôi.
Sau khoảng một năm rưỡi học hỏi, tôi đã có thể làm được gần như tất cả công việc của một người thợ cơ khí, trong khi bản thân lại có đủ những kiến thức của một kỹ sư. Lúc đó, tập đoàn đăng tuyển kỹ sư cho một dự án lớn sắp triển khai ngoài khơi. Vậy là bằng tất cả những kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được, tôi mới dám đem tấm bằng đại học ra để ứng tuyển với một sự tự tin tuyệt đối.
Do các lãnh đạo đã quen mặt tôi từ trước nên tôi dễ dàng được tuyển thẳng. Từ đó, tôi bắt đầu nghề kỹ sư cơ khí với chức danh Đội trưởng đội cơ khí thi công lắp đặt giàn khoan dầu, các đường ống dẫn dầu, dẫn khí ở ngoài khơi. Sau đó, tôi kinh qua nhiều vị trí, chức danh khác nữa cũng thuộc chuyên ngành này.
>> Sự khác biệt của anh thợ xây có bằng đại học
Sau 15 năm, giờ tôi đã chuyển qua công việc giảng dạy và làm cố vấn cho những dự án dầu khí... Qua quá trình tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy nhiều bạn trẻ bây giờ dường như mới có được tấm bằng cử nhân đại học đã coi mình như sao hạng A. Mới ra trường và đi xin việc, kinh nghiệm gần như bằng 0 nhưng các em đòi hỏi quá nhiều, trong khi kiến thức thực tiễn lại chưa có gì.
Nói thật, một người chỉ cần tốt nghiệp THPT rồi ra đi làm, sau một thời gian đi làm công nhân cho công ty, được những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm dìu dắt, chỉ bảo, thì chỉ cần khoảng hai năm cũng sẽ ăn đứt một bạn học 4-5 năm đại học.
Lời khuyên của tôi dành cho các bạn sinh viên là trước khi yêu cầu quyền lợi, các bạn phải chứng tỏ được năng lực của mình trước đã. Và nên nhớ, những kiến thức trong sách vở được học trên giảng đường chưa bao giờ là đủ để bạn có thể tự tin làm tốt công việc trong thực tế.
- '40 tuổi mới nhận ra giá trị của tấm bằng đại học'
- Tuổi 50 chạy ăn từng bữa vì xem thường việc học
- 'Bằng đại học ngày càng mất giá'
- Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
- Cử nhân thất nghiệp với tấm bằng đại học 'cơm trắng'
- Học đại học trái ngành vẫn 'đè bẹp' người không bằng cấp